1. Theo Ông đại dịch covid-19 có thể gây ra những rủi ro gì cho các DN Việt nói chung?
Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang tạo nên một cuộc khủng hoảng chung đối với hầu hết doanh nghiệp, nhiều công ty đang đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đây có thể xem là một “cú đánh mạnh” vào tâm lý các lãnh đạo doanh nghiệp để họ giật mình thức tỉnh trước tầm quan trọng của việc quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng. Đặc biệt là sự chuẩn bị cho những trường hợp mang tính “bất khả kháng” như dịch Covid-19.
Theo một báo cáo mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, 73,8% doanh nghiệp trả lời, họ có thể phá sản nếu dịch bệnh kéo dài trên 6 tháng, do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, chi lương, chi trả tiền lãi vay ngân hàng, cùng các chi phí khác. 19% doanh nghiệp chưa có giải pháp gì để ứng phó với những rủi ro do yếu tố khách quan xảy đến một cách bất ngờ.
2. Theo Ông các doanh nghiệp nên làm gì để ứng phó với tình hình khó khăn của dịch bệnh?
Việc đầu tiên các doanh nghiệp cần làm là tiến hành phân tích đầy đủ, kỹ lượng thách thức, cơ hội, thuận lợi khó khăn của DN mình để đưa ra các kịch bản kinh doanh tương ứng với các kịch bản dịch có thể xảy ra. Mỗi doanh nghiệp nên chuẩn bị cho mình nhiều hơn 3 kịch bản để chủ động ứng phó với dịch bệnh. Mỗi kịch bản cần tính toán đến hết các vấn đề như: doanh thu, chi phí, nguồn lực nội bộ, nhân sự, nguồn cung ứng.
Sau khi có kế hoạch hoàn chỉnh thì phải truyền thông cho toàn thể nhân viên rõ ràng để cán bộ nhân viên hiểu, tránh hoang mang và huy động được sức mạnh tập thể cùng tham gia.
Đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên và khách hàng
Tiếp đó cần lập tức phản ứng để bảo vệ con người và tài sản. Để bảo vệ con người, doanh nghiệp cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch mà Bộ y tế khuyến cáo, nếu được có thể cho nhân viên làm việc online, hoặc làm việc luân phiên để giảm lây nhiễm cộng đồng.
Để bảo vệ tài sản các doanh nghiệp sẽ căn cứ trên các kịch bản mình đã lập và tiến hành điều chỉnh các hoạt động mua sắm, đầu tư trong giai đoạn này.
Có một lưu ý ở giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp lựa chọn làm việc online, và việc đẩy “dữ liệu” lên môi trường số là cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng gắn với nhiều rủi ro về an toàn thông tin. Các doanh nghiệp nên có phương án chủ động để bảo vệ “dữ liệu” – một tài sản vô hình nhưng rất quan trọng này, để đảm bảo việc quay trở lại sau đại dịch không bị gián đoạn vì mất đi các thông tin quan trọng.
Sau cùng, doanh nghiệp cần thực thi các chiến thuật phù hợp với các kịch bản đã lên nhằm duy trì tối đa hoạt động kinh doanh trong dịch bệnh.
Tự động hóa quy trình làm việc sẽ chiếm ưu thế
3. Ông có thể chia sẻ thêm về chiến thuật các doanh nghiệp nên thực thi trong giai đoạn này?
Tôi đã có một bài chia sẻ khá chi tiết về 6 chiến thuật này, ở đây tôi chỉ liệt kê lại 6 chiến thuật để mọi người có thể tham khảo.
Thứ 1: Rà soát khối lượng công việc để điều chỉnh nhân sự, chi phí về mức tinh gọn và tối ưu nhất, ít nhất là trong quý tiếp theo.
Thứ 2: Tập trung chăm sóc tốt khách hàng hiện có theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, củng cố gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng.
Thứ 3: Liên hệ ngay với các nhà cung cấp, đối tác, thầu phụ trong cùng chuỗi cung xem dịch bệnh làm ảnh hưởng đến luồng giao dịch giữa doanh nghiệp và họ như thế nào để tìm cách ứng phó.
Thứ 4: Tập trung cho đào tạo, huấn luyện nhân sự nâng cao tính chuyên nghiệp và kỷ luật.
Thứ 5: Lập ra kịch bản xấu nhất cho doanh nghiệp mình và diễn tập với kịch bản đó
Thứ 6: Lập quỹ tích lũy, dự phòng rủi ro cho doanh nghiệp.
4. Vậy với sự chủ động và các chiến thuật ông đã tư vấn, FSI có gặp khó khăn nào trong cuộc chiến dịch bệnh này không?
Dịch bệnh sẽ không chừa bất cứ ai hay doanh nghiệp nào, nó như hiệu ứng Domino vậy, nó kéo theo sự sụp đổ của tất cả các ngành hàng chỉ là sớm hay muộn. Tại FSI chúng tôi cũng có những khó khăn nhất định. Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ gây áp lực lên cả tất cả đội ngũ nhân viên của chúng tôi khi vừa phải tập trung triển khai công việc theo tiến độ, vừa phải tập trung chống dịch, đảm bảo sức khỏe để không ảnh hưởng đến cả đội bị cách ly cùng.
Bên cạnh đó, tại thời điểm này các doanh nghiệp, tổ chức sẽ ưu tiên chi cho các biện pháp giúp họ vượt qua khủng hoảng trong ngắn hạn, chi an sinh xã hội, hơn là chi cho các hoạt động đầu tư dài hạn giúp mang lợi ích lâu dài. Mà lĩnh vực kinh doanh thế mạnh của FSI là số hóa, chuyển đổi số, đó đều là những giải pháp đầu tư dài hạn, nên các doanh nghiệp, tổ chức sẽ cân nhắc kỹ lưỡng hơn nhiều khi phải ra quyết định mua sắm.
Việc áp dụng tất cả các biện pháp, chiến thuật đã liệt kê sẽ giúp FSI chủ động đối phó với dịch bệnh, tranh thủ thời gian để nâng cao nội lực và sẵn sàng bứt phá nhanh khi dịch bệnh kết thúc.
5. Với vai trò là một doanh nghiệp sở hữu năng lực công nghệ 4.0 xuất sắc, FSI đã có những giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.
Ở giai đoạn này, các doanh nghiệp sẽ thấy tầm quan trọng của việc số hóa, chuyển đổi số. Các doanh nghiệp đã ứng dụng chuyển đổi số như FSI khi dịch bệnh bùng phát, có thể chuyển sang làm việc online từ xa mà không gặp gián đoạn kinh doanh.
Từ chính các sản phẩm thế mạnh là số hóa và chuyển đổi số của mình, chúng tôi cũng nâng cấp và phát triển thêm các phiên bản quản lý công việc online giúp doanh nghiệp tạo lập quy trình làm việc và quản lý công việc cá nhân, tổ chức trên môi trường số một cách dễ dàng. Dự kiến trong thời gian gần sắp tới, chúng tôi sẽ chuyển giao miễn phí và hỗ trợ Cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sử dụng sản phẩm chuyển đổi số của FSI giúp họ chuyển đổi sang mô hình. Doanh nghiệp số có tính linh hoạt, hiệu quả cao và chịu được rủi ro tốt.
Vâng, đây chắc chắn là một tin vui dành cho các doanh nghiệp quan tâm. Xin cảm ơn Ông và chúc FSI luôn vững vàng để nhanh chóng bứt phá thành công.