Khi tiến hành chuyển đổi số thành công, giá trị của một trong 50 tập đoàn lớn nhất thế giới Nestlé đã tăng thêm hơn 18 triệu đô chỉ vỏn vẹn trong 12 tháng. Tuân thủ lộ trình chuyển đổi rõ ràng, tối ưu nguồn lực và bám sát thực tiễn doanh nghiệp, đâu mới là bí mật ẩn giấu của thành công ấy? Một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả có thực sự làm nên tất cả? Đọc ngay bài viết dưới đây của FSI để hiểu hơn về bài học điển hình của Nestlé dành cho các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số kỷ nguyên 4.0.
Thực tế phát triển chiến lược chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp
Theo báo báo về thực trạng chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2023 do Walkme cung cấp, hiện có tới 70% lãnh đạo doanh nghiệp đang không nắm được ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính với các kế hoạch chuyển đổi số đang được triển khai. Từ cuộc khảo sát, ta buộc phải đối diện với một sự thật rằng hiện tại có tới 60% các doanh nghiệp trên thế giới đang “nhắm mắt đưa chân” trên hành trình chuyển đổi số vì thiếu đi chiến lược cụ thể.
Hiện nay, các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn đang nhận được những lợi ích thiết thực từ chuyển đổi số đem lại: năng suất làm việc được nâng cao, tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá chi phí, v.v.. Khi tiến hành chuyển đổi số, một chiến lược định hướng sẽ là kim chỉ nam giúp tổ chức, doanh nghiệp phát triển bền vững thay vì chỉ thu lại những lợi ích ngắn hạn.
Xem thêm: Chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong cơ quan, nhà nước |
Theo statisa.com, năm 2021, số tiền các doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số là 1,6 nghìn tỷ USD và dự kiến đến năm 2026 con số này sẽ tăng lên 3,4 nghìn tỷ USD. Con số này sẽ không ngừng tăng lên và nếu thiếu đi một chiếc la bàn, việc hội nhập tùy hứng, chạy theo số đông chỉ khiến cho doanh nghiệp sớm tàn lụi.
Lợi ích của việc sở hữu chiến lược chuyển đổi số hiệu quả
Hiểu sơ bộ về tầm quan trọng của một chiến lược chuyển đổi số, sau đây ta hãy đi sâu hơn để khám phá về lợi ích. Về cơ bản, một chiến lược chuyển đổi số thành công sẽ giúp tối đa hoá được các khoản đầu tư công nghệ, đảm bảo nhân viên và khách hàng có thể tận dụng tối đa được các tài sản kỹ thuật số hiện có bao gồm các phần mềm cũ và phần mềm mới cập nhật.
Như vậy, bằng cách tích hợp hệ thống, quy trình, công cụ hiện có vào các hoạt động hàng ngày, chiến lược chuyển đổi số sẽ giúp:
- Nâng cao hiệu suất công việc
Nhờ hệ thống phần mềm, quy trình hiện đại đã được số hoá, nhân viên có thể tận dụng tối đa những công nghệ hiện có để xử lý công việc nhanh hơn, điều hướng, loại bỏ các tính năng không liên quan và tìm hiểu, cập nhật xu hướng công nghệ mới.
- Giảm chi phí
Chiến lược chuyển đổi số cụ thể giúp doanh nghiệp có thể đầu tư hiệu quả hơn cho các tài sản số trong tập đoàn, doanh nghiệp, tránh trường hợp đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, hạn chế những khoản chi không cần thiết cho những công nghệ không thực sự phù hợp.
Chiến lược chuyển đổi số của Nestlé có gì đặc biệt?
Một trong những tập đoàn có chiến lược chuyển đổi số đáng để học hỏi đó chính là Nestlé.
Tập đoàn này đề ra chiến lược cụ thể và được phân định rõ ràng với 5 bước:
- Thiết lập kết quả kinh doanh mong muốn
- Xác định mục tiêu ứng dụng công nghệ, phần mềm cần thiết nhằm đạt được mục tiêu đề ra trước đó
- Xem xét, đo lường mức độ tương tác, chất lượng trải nghiệm của khách hàng, nhân viên
- Xây dựng nội dung tăng mức độ tương tác của người dùng dựa trên dữ liệu
- Đo lường và tối ưu hoá các lượng tài sản số hiện có
Để tận dụng tối đa những công nghệ số hiện có, Nestlé đã thành lập một đội ngũ riêng mang tên Center of Excellence (CoE) để chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng nền tảng áp dụng chuyển đổi số.
Trung tâm Center of Excellence (CoE) của Nestlé có thực sự vận hành hiệu quả?
Trung tâm CoE được Nestlé sáng lập còn gọi là trung tâm tiếp nhận số. Trung tâm này được tạo ra bằng cách sử dụng những nhân viên từ các bộ phận khác nhau, đã tham gia trải nghiệm toàn bộ công nghệ số của công ty. Họ có vai trò tính toán lại và tiếp tục tối ưu hóa tài sản số hiện có của Nestlé.
Nhóm này được tập hợp lại để thảo luận về tính ưu việt của phần mềm, công nghệ khi đi vào thực tiễn công việc từng phòng ban. Với những thách thức ngáng đường, họ sẽ đề xuất các giải pháp đối phó phù hợp.
Sau đó, mỗi thành viên sẽ quay trở về phòng ban của mình để hướng dẫn đồng nghiệp về hệ thống công nghệ, phần mềm mới áp dụng, trao quyền cho họ, tạo điều kiện tối đa để khai thác những “tài sản số” này. Nhờ vậy mỗi cá nhân, mỗi phòng ban đều hiểu rất rõ trong tay mình có gì, làm thế nào để tối ưu những tài sản số vô giá đó.
Bài học từ chiến lược chuyển đổi số của Nestlé
Từ thực tế, thử nghiệm, thất bại, thử nghiệm lại của Nestlé trên hành trình chuyển đổi số, chúng ta có thể đúc kết lại một số bài học xương máu liên quan đến tiến trình xây dựng chiến lược chuyển đổi số hiện nay.
Nắm được lỗ hổng chí mạng trong thực tiễn ứng dụng công nghệ số
Khi tiến hành triển khai chiến lược chuyển đổi số, chúng ta cần phải chú trọng thiết lập các mục tiêu ưu tiên và nếu thất bại ta phải lật ngược lại vấn đề, xem xét bao quát từ nhiều mặt để tìm ra lỗ hổng.
Để đạt được hiệu quả tuyệt đối của chiến lược chuyển đổi số ta phải điều chỉnh các phương thức ứng dụng công nghệ, quy trình vận dụng sao cho đạt được hiệu quả kinh doanh mong muốn.
Để tạo ra sự chắc chắn trong quá trình triển khai chiến lược, ta nên bắt đầu thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Trước hết ta bắt đầu với một nhóm nhỏ hoặc vài ba quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp. Sau một thời sử dụng tìm hiểu tìm ra phương thức sống chung và làm việc hiệu quả với chúng sau đó mới ứng dụng rộng rãi cho toàn bộ các phòng ban.
Tôn trọng sự đa dạng vốn có trong mỗi doanh nghiệp
Khi xây dựng CoE, mấu chốt là mỗi chúng ta cần phải tôn trọng sự đa dạng trong doanh nghiệp. Ta đừng ngại tuyển dụng nhân sự từ nhiều bộ phận không liên quan đến công nghệ và tập hợp họ lại với nhau để phát triển thành một nhóm làm việc ăn ý. Chính họ sẽ hiểu được khó khăn nội tại trong phòng ban mình phụ trách, chính họ mới hiểu được cách để cải thiện doanh nghiệp.
Bài học từ Nestlé đó chính là khi phát triển chiến lược chuyển đổi số, việc rót vốn không ngừng nghỉ hay tiến hành thuê một đội ngũ nhân sự mới toanh, xịn sò không phải là giải pháp tối ưu nhất. Tận dụng tối đa nguồn lực hiện tại và tập trung khai phá viên kim cương thô ấy mới thực sự là giải pháp thông minh.
Đo lường để tối ưu hiệu quả chuyển đổi số
Khi đo lường chiến lược chuyển đổi số, đa số chúng ta thường tập trung xem xét đến những yếu tố như tỷ lệ hoàn thành công việc, thời gian nhân viên dành cho phần mềm, công nghệ được cài đặt mà chưa thực sự hiểu được trọng tâm của việc áp dụng công nghệ số trong quá trình làm việc là gì.
Thực tế từ kinh nghiệm của Nestlé cho thấy trải nghiệm số của nhân viên và những hành vi, thái độ của họ khi làm việc với ứng dụng mới chính là yếu tố quan trọng nhất. Mục đích cuối cùng của việc chuyển đổi số chính là khuyến khích nhân viên sử dụng phần mềm, phát huy tối đa tiềm năng của chúng. Bởi vậy doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần chú ý đo lường được các yếu tố liên quan nhằm biến mục tiêu ấy thành hiện thực.
Từ sau khi áp dụng chiến lược chuyển đổi số, hiệu suất công việc của nhân viên tại tập đoàn Nestlé đã tăng lên 250% trong các dự án quan trọng trong kinh doanh. Lựa chọn một chiến lược phù hợp chính là con đường đúng đắn dẫn lối doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số.. Một tầm nhìn lớn cùng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ là sự kết hợp hoàn hảo tạo nên một doanh nghiệp thành công.