FSI tham dự hội thảo hợp tác giữa Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC chủ đề “Xây dựng năng lực APEC thúc đẩy phát triển nền kinh tế số”
Sáng ngày 21/10, trong khuôn khổ hội thảo hợp tác giữa Bộ Công Thương và Ban Thư ký APEC với chủ đề “Xây dựng năng lực thúc đẩy nền kinh tế số”, Đại diện của FSI cùng các chuyên gia đại diện các tổ chức kinh tế xã hội lớn trên thế giới như Singapore, Thái Lan, Canada, Úc,…. đã tham dự phiên thảo luận “Nền kinh tế kỹ thuật số từ góc độ công nghệ” với mục tiêu giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia nghiên cứu trong việc xây dựng và thực thi mô hình tăng trưởng mới trong giai đoạn hậu Covid.
APEC – Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương là nơi hội tụ các nền kinh tế hàng đầu thế giới và là diễn đàn liên kết kinh tế quy mô lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương. Các nền kinh tế trong diễn đàn chiếm tổng cộng 39% dân số thế giới, 59% GDP toàn cầu, 48% thương mại quốc tế và chiếm khoảng 53% tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thế giới…
Diễn ra trong hai ngày 21 và 22/10/2021, Hội thảo “Xây dựng năng lực APEC thúc đẩy phát triển nền kinh tế số” có sự tham gia của ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương cùng gần 100 chuyên gia hàng đầu của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp như: Chuyên gia tư vấn kinh tế xã hội, Chuyên gia tư vấn chính sách, Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử, Bộ Kinh tế và Xã hội Kỹ thuật số, Thái Lan, Úc, Singapore, Canada, Hàn Quốc, …
Tại hội thảo, nền kinh tế thành viên APEC chia sẻ kinh nghiệm giúp thúc đẩy nền kinh tế số và Chính phủ số ở các khía cạnh khác nhau như: chính sách luật, công nghệ và cơ sở hạ tầng, các vấn đề về thể chế, tác động lên các thành phần xã hội… Qua đó, khuyến nghị để APEC cân nhắc các hoạt động, sáng kiến trong tương lai, nhằm nâng cao năng lực thực thi nền kinh tế số cho các nền kinh tế thành viên.
Về phía FSI tham dự, có sự góp mặt của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số, Ban cố vấn Công ty FSI. TS Tuấn Hoa có trên 200 công trình, bài báo, báo cáo hội nghị khoa học trong nước và quốc tế về ứng dụng CNTT, công nghệ số trong những lĩnh vực Nông nghiệp, Công nghiệp chế biến, Logistics, Du lịch và Môi trường.
Kinh tế số: Con đường của tương lai
Theo định nghĩa chung của các chuyên gia tư vấn nhận định đưa ra trong phiên thảo luận, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số”.
Phát triển kinh tế số sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng và điều này sẽ làm tăng năng suất, cũng như hiệu quả lao động.
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019″ do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực: Thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe công nghệ.
“Với sự phát triển tất yếu, nền kinh tế số đang ngày càng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế, tác động tích cực không chỉ lên quá trình chuyển đổi mô hình và mạng lưới kinh doanh truyền thống mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức, chuyển đổi quản lý và quản trị thị trường quốc tế.” ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương – chia sẻ mở đầu tại buổi hội thảo.
Tuy nhiên, theo báo cáo, khoảng 85% doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài lề nền kinh tế số và chỉ khoảng 13% mới chập chững bước đầu tham gia vào nền kinh tế số.
Giải pháp giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn sắp tới
Cùng phiên thảo luận Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội đồng chuyên gia chuyển đổi số, Ban cố vấn Công ty FSI chia sẻ tại sự kiện: “Muốn xây dựng được nền kinh tế số thì phải thực hiện được chuyển đổi số trong tất cả các đơn vị kinh tế. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong từng doanh nghiệp, đơn vị kinh tế chứ không đơn thuần là phong trào ứng dụng các công nghệ số. Hãy xem chuyển đổi số như cơ hội thay đổi một cách toàn diện, từ bỏ các thói quen, tập quán truyền thống, tiếp nhận và định hình những giá trị mới”
Quá trình này có 4 đặc trưng cơ bản là: (1) Tập trung thay đổi quy trình sản xuất truyền thống sang quy trình sản xuất tiên tiến dựa trên ứng dụng công nghệ số, (2) Từng bước thay đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang bán hàng qua các sàn TMĐT, thanh toán trực tuyến, (3) Làm quen và hình thành các tập quán mới trong kỷ nguyên số (quan hệ xã hội, sở hữu tài sản, cung cấp dịch vụ, trách nhiệm với môi trường,…) và (4) Xây dựng văn hóa số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong từng tổ chức, doanh nghiệp, TS Nguyễn Tuấn Hoa chia sẻ thêm.
Đồng thời, việc xây dựng dữ liệu lớn, số hoá thông tin có triển vọng to lớn trong việc tối ưu hóa các dịch vụ công như y tế, bảo trợ xã hội và giáo dục cũng như trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch của các quốc gia.
Cách tổ chức dữ liệu theo hướng tập trung, tất cả trên cloud (công nghệ đám mây) và có khả năng liên kết mạnh, đa chiều. Tuy nhiên, hiện nay khối lượng dữ liệu đã số hóa mới ước tính được khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy tờ. Bài toán đặt ra là số hóa và khai thác các dữ liệu này như thế nào cho hiệu quả?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa cho biết, các giải pháp số hóa, khai thác quản lý dữ liệu đang cung cấp như giải pháp số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu của FSI sẽ giúp các DN khai thác lượng dữ liệu đã được số hóa theo hướng tiếp cận mô hình chuyển đổi số. Điểm nổi bật trong giải pháp số hóa FSI là việc ứng dụng công nghệ nhận dạng và trích xuất thông tin tự động; tích hợp các công nghệ 4.0; Machine learning, Deep learning, AI,… giúp quá trình tạo lập cơ sở dữ liệu lớn trở nên nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm thời gian và chi phí
“Thêm nữa để Việt Nam trở thành nền kinh tế số, các doanh nghiệp công nghệ như FSI, FPT, CMC,… nên tập trung, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu và ứng dụng các xu thế công nghệ mới, sáng tạo các giải pháp, phần mềm chuyển đổi số có tính ứng dụng nhanh, đơn giản. Các giải pháp công nghệ make by Việt Nam sẽ phù hợp với đặc thù cũng như văn hoá của doanh nghiệp Việt, giúp các tổ chức, DN không còn phụ thuộc quá nhiều vào các phần mềm của nước ngoài với chi phí cao, khó sử dụng.”, TS Nguyễn Tuấn Hoa chia sẻ
Với 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, FSI vinh dự nhận được sự tin tưởng của ban tổ chức, đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam tham dự phiên thảo luận, chia sẻ cùng các thành viên APEC những giải pháp và phần mềm góp phần phát triển nền kinh tế số của Việt Nam và các nước thành viên APEC. FSI hy vọng với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ của mình sẽ trao quyền cho các tổ chức, xây dựng và góp phần phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, thúc đẩy nền kinh tế số.