hội thảo “Máy Scan chuyên dụng và giải pháp công nghệ Chuyển đổi số”
Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động, cắt giảm chi phí vận hành, thay đổi cách thức, cơ cấu làm việc… và tạo ra một nền kinh tế số. Đó là khẳng định của các đại biểu có mặt tại hội thảo “Máy scan chuyên dụng và giải pháp công nghệ chuyển đổi số” do Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI tổ chức ngày 21/6/2019, tại TP.HCM.
Vậy làm thế nào để chuyển đối số thành công?
Theo nhận định từ các chuyên gia, để chuyển đổi số thành công doanh nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao mà có thể đi từng bước rất nhỏ nhưng lại đem lại hiệu quả cao. Đó là việc doanh nghiệp tự biến mình từ doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số và từ văn phòng chất chồng đầy hồ sơ, tài liệu thành một “văn phòng không giấy tờ”. Có nhiều cách để thực hiện điều này, tuy nhiên cách tốt nhất hiện nay đó là doanh nghiệp nên nhờ đến sự trợ giúp của các loại máy scan chuyên dụng để tạo dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp.
Thuyết trình tại hội thảo, ông Nguyễn Nhật Quang – TS, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI cho biết, chuyển đổi số là tự thay đổi để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn như thay đổi về tư duy, thay đổi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ, quy trình hoạt động, cơ cấu tổ chức…
Ông Nguyễn Nhật Quang – TS, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI chia sẻ với chuyên đề “Làm thế nào để chuyển đổi số thành công”
Theo Ông Quang chia sẻ, trong chuyển đổi số, dữ liệu (bao gồm cả ghi nhận, thu thập, tích lũy và khai thác) sẽ đóng vai trò trung tâm. “Không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo (AI), không có AI thì hệ thống không thể đủ thông minh để cạnh tranh trong tình hình mới” – ông Quang khẳng định.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Nhật Quang cho rằng, để chuyển đổi số thành công cần phải theo lộ trình cụ thể. Trước hết, cần nhận thức về nhu cầu chuyển đổi số. Nhận thức này phải thấm đến các thành viên chủ chốt trong doanh nghiệp.
Thứ hai, chiến lược dữ liệu phải chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống thông tin của một doanh nghiệp thông minh. “Chiến lược dữ liệu phải bao gồm một bản thiết kế tổng thể hạ tầng dữ liệu (hệ thống CSDL, kho tài liệu), phân rõ trách nhiệm quản lý và khai thác dữ liệu trong công ty cũng như trình tự xây dựng hạ tầng dữ liệu này” – Ông Quang nhấn mạnh.
Thứ ba, phải mô tả tường minh các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Các quy trình hiện tại sau đó phải được thiết kế lại theo hướng tự động hóa tối đa các bước trên cơ sở sử dụng dữ liệu để ra quyết định, đồng thời tích hợp việc thu thập, cập nhật dữ liệu vào hạ tầng dữ liệu. Cạnh đó hệ thống điều hành doanh nghiệp được số hóa sao cho việc tuân thủ quy trình trở nên dễ dàng và không tốn thời gian.
Kết luận bài thuyết trình, ông Quang cho rằng, các công nghệ nghe có vẻ cao xa như AI, IoT, Cloud, Mobile…thực ra lại đã sẵn sàng và không đắt đỏ như doanh nghiệp nghĩ. Và việc cần làm lúc này đó là “Mọi con đường dù dài đến đâu cũng bắt đầu bằng các bước nhỏ. Bước đầu tiên có lẽ là sắp xếp lại dữ liệu bạn có”.
Giải pháp Công nghệ ứng dụng vào Chuyển đổi số?
Đồng quan điểm, ông Lê Công Hiếu – Chuyên viên tư vấn Công ty FSI cho biết, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thành công trong quá trình chuyển đổi số như Uber, AIRbnb, Foody…. Uber có mặt ở trên 300 thành phố trên thế giới, điều phối trên 1 triệu tài xế không phải nhân viên của mình. AIRbnb kết nối người cần thuê phòng nghỉ với người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua điện thoại di động. Và tài sản quan trọng nhất của Uber, AIRbnb, Foody hay bất kỳ doanh nghiệp thành công nào khác đều là DỮ LIỆU.
Ông Lê Công Hiếu – Đại diện FSI trình bày giải pháp công nghệ ứng dụng cho chuyển đổi số
Ông cho biết thêm, chuyển đổi số là quá trình xây dựng hạ tầng số của doanh nghiệp với đầy đủ các yếu tố: thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng, pháp lý, nhân lực. Trong đó, “dữ liệu” được xem là tài sản và năng lượng của doanh nghiệp. “Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng xuất lao động, thay đổi cách thức, cơ cấu làm việc và tạo ra một nền kinh tế số” – ông Hiếu khẳng định.
Để trở thành doanh nghiệp số, theo đại diện FSI, doanh nghiệp cần thực hiện việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT nói chung và việc chuyển đổi số nói riêng đang được các doanh nghiệp nghiên cứu triển khai với hệ thống hiện đại. Và trong công cuộc xây dựng chuyển đổi số, giá trị máy quét chiếm ít hơn 10% tổng đầu tư hạ tầng CNTT, nhưng chất lượng của máy scan lại đóng vai trò mấu chốt tạo ra thông tin số để thực thi các quy trình tác nghiệp.
Các giải pháp hỗ trợ cho việc chuyển đổi số thành công?
Để hỗ trợ cho việc chuyển đổi số thành công, tại hội thảo, FSI đã giới thiệu nhiều dòng máy scan như máy scan Plustek cùng các dòng máy mới ra mắt vào tháng 6 năm 2019 với nhiều công nghệ được trang bị như hệ thống ánh sáng được thiết kế theo tiêu chuẩn, khay nạp tài liệu tự động ADF, hỗ trợ khổ giấy tối đa A4 cùng công nghệ CCD và hai nguồn sáng đèn LED nên có thể quét cùng lúc hai mặt tài liệu trong một lượt giấy chạy qua
Được biết, FSI bằng năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của mình cũng đã giới thiệu một số giải pháp khác như giải pháp IONE để nhận dạng tài liệu tự động thông qua việc nhận dạng, bóc tách, thu thập data. Phần mềm quản lý hồ sơ tài liệu lưu trữ DOCEYE sẽ giúp người dùng cá nhân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí..
Cùng với đó, FSI cũng giới thiệu sâu hơn về giải pháp số hoá tạo lập cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) theo tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thông tin ISO/IEC 27001:2013 và tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2015, giải pháp đi vào cốt lõi của chuyển đổi số là khai thác và quản lý dữ liệu lớn, giúp xử lý các dữ liệu nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm và bảo mật.
Hội thảo “Máy Scan chuyên dụng và giải pháp công nghệ chuyển đổi số“ được quan khách đánh giá cao về nội dung và tính ứng dụng thực tiễn, nó giúp doanh nghiệp có cái nhìn chuyên sâu nhất về tầm quan trọng của chuyển đổi số; Để chuyển đổi số thành công các doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu…Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể cầm được chiếc “chìa khoá vàng” mở cánh cửa thành công giúp các doanh nghiệp có định hướng đầu tư công nghệ, giải pháp phù hợp để hội nhập và phát triển trong thời đại chuyển đổi số.