Chuyển đổi số doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu? Và làm như thế nào? Đó là câu hỏi được đặt ra trong buổi đào tạo chiều ngày 5/06/2019 của GS. TSKH Hồ Tú Bảo – Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán, viện John von Neumann DDHQG HCM với buổi chia sẻ mang chủ đề “Vai trò quyết định của lãnh đạo trong chuyển đổi số” tại chính văn phòng FSI. Buổi đào tạo có sự tham dự của Ông Nguyễn Khoa Bảo chủ tịch HĐQT, Ông Nguyễn Hùng Sơn – Tổng Giám đốc FSI và trưởng phó các bộ phận thuộc FSI Group, đồng thời được quan tâm hưởng ứng của rất nhiều cán bộ nhân viên FSI tham gia.
Chuyển đổi số – Xu thế tất yếu, không thể đảo ngược
Mở đầu bằng việc miêu tả tình hình các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay đã đi đến đâu trong kỷ nguyên số. Nói về khái niệm “Chuyển đổi số”, G.S Hồ Tú Bảo cho rằng chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả khía cạnh đời sống. Từ đó các doanh nghiệp sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh lớn nếu biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số.
GS Hồ Tú Bảo cũng chia sẻ, để đi lên chuyển đổi số thì việc số hóa doanh nghiệp là xu thế tất yếu không thể đảo ngược. “Dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, bởi dữ liệu có ích cho doanh nghiệp ngày càng đa dạng bên cạnh đó các công nghệ tiên tiến giúp con người phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, năng suất hơn và hiệu quả hơn như trí tuệ nhân tạo (AI), Machine Learning (hoc máy), dữ liệu lớn (BigData)…
G.S Hồ Tú Bảo chia sẻ: “Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội”
Khi đã có dữ liệu rồi, DN cần giải pháp biến dữ liệu thành công cụ hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như điều chỉnh các định giá trị, xác định giá trị dựa vào nhu cầu khách hàng. Như vậy, chuyển đổi số giúp DN sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện mô hình kinh doanh. Đồng thời, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới.
Doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Theo G.S Hồ Tú Bảo, Việc đầu tiên là vấn đề nhận thức, tư duy của các cấp lãnh đạo. Trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp cần thay đổi cách kết nối và tạo giá trị mới cho khách hàng và khai thác các mạng lưới từ khách hàng. Nhận thức, tư duy sáng tạo của lãnh đạo và mọi người trong doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Sau đó, cần lượng hóa các chỉ tiêu mà mô hình Digital Business mang lại, trong đó có 5 yếu tố phải xem xét lượng hóa để hình thành phương diện chiến lược chuyển đổi số gồm: mô hình kinh doanh tạo nên từ công nghệ số; danh mục sản phẩm và dịch vụ được số hóa; Thông tin, dữ liệu được coi là tài sản của doanh nghiệp; Đổi mới bằng thử nghiệm nhanh, sáng tạo và đột phá vào sản xuất kinh doanh.
GS Hồ Tú Bảo chia sẻ những phương diện chiến lược trong chuyển đổi số
Bên cạnh đó, chuyển đổi số được thực hiện theo 6 bước: Nhận thức và đổi mới tư duy (có tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi, phân tích đánh giá giá trị các bên liên quan); Xác định lộ trình (đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng chuyển đổi theo kế hoạch từng bước nhỏ của đơn vị); Xây dựng năng lực số (mô hình vận hành, quy trình, công nghệ,…); Xác định công nghệ chính (danh mục dự án, kế hoạch thực hiện,…); Triển khai (thực thi, thay đổi về kinh doanh, công nghệ, con người); Thay đổi mô hình và hoạt động tác nghiệp và Điều chỉnh tổ chức từ nhỏ đến lớn.
Chuyển đổi số tại FSI sẽ diễn ra thế nào?
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, tiên phong trong lĩnh vực: ngân hàng tài chính, giao thông, du lịch… Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố cũng định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới… Cùng trao đổi với G.S Hồ Tú Bảo, đại diện FSI – Ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc Công ty cho biết FSI cũng đang tiến hành chuyển đổi số tại chính doanh nghiệp mình, với một lộ trình cụ thể, và bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.
Ông Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ về những công nghệ mà FSI đã và đang triển khai và lộ trình chuyển đổi số tại FSI
Đồng thời, ông Nguyễn Hùng Sơn cũng chia sẻ với các thành viên trong buổi học về quan điểm và quá trình chuyển đổi số của chính FSI. Từ việc nắm bắt xu thế, chủ trương đồng lòng thống nhất từ ban lãnh đạo FSI, nội bộ doanh nghiệp bắt tay vào triển khai chuyển đổi số cho bản thân mình. Xác định lộ trình ngắn hạn, thí điểm, xây dựng các yếu tố hạ tầng dữ liệu, kỹ thuật, chính sách, con người và chủ động xây dựng hạ tầng ứng dụng. Bên cạnh những ứng dụng thực tế, những giải pháp công nghệ mà FSI đang ứng dụng và phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kỳ chuyển đổi số, FSI cũng đã vạch ra một lộ trình chuyển đổi số rõ ràng cho từng giai đoạn: 6 tháng, 12 tháng với những mục tiêu cụ thể.
Từ nội dung chia sẻ về tình hình chuyển đổi số của FSI hiện tại, Ông Sơn mong muốn mỗi trưởng, phó bộ phận, mỗi cá nhân thuộc từng bộ phận khác nhau hãy thay đổi ngay bắt đầu từ nhận thức, thay đổi cách quản trị nội bộ phòng ban mình. Và xác định rõ ràng một hệ thống vận hành được phải lấy dữ liệu làm trung tâm, dữ liệu phải được update thường xuyên và chính xác. Dữ liệu hình thành từ chính bản thân mỗi bộ phận: kinh doanh, hành chính nhân sự, hồ sơ pháp chế… Với sự nhiệt tình, cùng việc cống hiến 100% năng lượng cho buổi đào tạo, T.S Hồ Tú Bảo đã truyền tải được toàn bộ kiến thức cần nắm được trong thời Chuyển đổi số tới toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhân viên FSI tham gia, giúp mọi người có sự thay đổi nhận thức ngay tại buổi chia sẻ, có những cách nhìn hoàn toàn khác về tư duy, con người và đặc biệt là cách thu hút đối với khách hàng trong xã hội số này.
Kết thúc buổi đào tạo, các học viên đều cảm nhận được tính cần thiết và hữu ích của việc áp dụng các ứng dụng công nghệ số trong công việc hàng ngày, thông qua đó đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của FSI trong tương lai.