Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), một phần ba nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023, do đó, các doanh nghiệp Việt cần tích cực tìm kiếm, triển khai giải pháp nhằm củng cố sức cạnh tranh. Tại hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế” được Udemy cùng FUNiX và VINASA tổ chức tại Hà Nội, ngày 4/4, các khách mời, chuyên gia đào tạo đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho vấn đề này.
Tính cấp thiết về xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp Việt
Hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế” có chủ đề chính xoay quanh 2 vấn đề: Cạnh tranh thông qua bứt phá năng lực cập nhật của đội ngũ và xây dựng văn hóa học tập trọn đời đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và truyền thông. Với sự tham gia của các chuyên gia đào tạo, diễn giả nổi tiếng như ông Greg Brown – CEO Udemy; ông Nguyễn Hùng Sơn – Ủy viên Ban thường vụ VINASA, Chủ tịch HĐQT FSI, ông Lê Đình Thịnh – Talent Development Lead tại One Mount, bà Bùi Nguyệt Anh – Giám đốc cấp cao BNI Vietnam, sự kiện đã đưa đến cho các doanh nghiệp Việt một góc nhìn đa chiều về suy thoái kinh tế và cách thức vượt qua khó khăn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Greg Brown – CEO Udemy cho biết: “Theo thống kê từ các tổ chức uy tín toàn cầu như Deloitte và Gallup, có đến 87% các CEO nhận thấy các nhân sự của mình đang thiếu hụt về các kỹ năng cần thiết để làm việc hiệu quả, và có tới 40% lao động cần phải nâng cao kỹ năng trong 6 tháng tiếp theo. Đặc biệt là tốc độ thay đổi của thị trường hiện tại đang nhanh hơn tốc độ đào tạo, học tập, phát triển nhân sự của tổ chức.”
Trong thời đại cá nhanh nuốt cá chậm, song song với sự phát triển của công nghệ làm thay đổi hành vi con người cũng như thay đổi thế giới từng phút, từng giây, nếu không muốn bị xóa sổ trên thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh bền vững trong bối cảnh kinh tế biến động, việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự phải trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp, và xây dựng văn hóa học tập trọn đời tại tổ chức chính là giải pháp.
Cùng đi tìm lời giải cho bài toán xây dựng văn hóa học tập hiệu quả tại doanh nghiệp
Dù nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa học tập để thích ứng và cạnh tranh bền vững trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn loay hoay chưa xác định được lộ trình cụ thể để “hệ thống hóa, chiến lược hóa” các công tác đào tạo, phát triển nhân sự tại đơn vị mình.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, đại diện VINASA, Chủ tịch HĐQT công ty FSI, phân tích và chia sẻ trong hội thảo: “Thách thức lớn nhất về đào tạo hiện có trong doanh nghiệp liên quan đến khối lượng công việc. Ai cũng bận, do đó, chủ doanh nghiệp nên phân công công việc phù hợp, đảm bảo thời gian cho nhân viên trau dồi kiến thức, kĩ năng và nên kiên nhẫn, tạo điều kiện học tập cho nhân viên để phát triển bản thân và thông qua đó phát triển doanh nghiệp.”
Giải đáp cụ thể hơn về cách thức các doanh nghiệp có thể xây dựng một văn hóa học tập hiệu quả, ông Nguyễn Hùng Sơn chia sẻ những ví dụ thực tiễn từ chính đơn vị đang trực tiếp điều hành. Tại FSI công ty công nghệ tiên phong ứng dụng công nghệ số hiện đại trong lĩnh vực xử lý dữ liệu đã kết hợp 3 yếu tố trụ cột trong quá trình xây dựng văn hóa học tập đó là: con người, công cụ, chính sách.
Về con người, cần sự đồng bộ từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến trưởng bộ phận cùng nhân sự phụ trách công tác đào tạo trong việc sắp xếp thời gian, cường độ học tập phù hợp với công việc.
Về công cụ, doanh nghiệp cần trang bị những nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số như Udemy để cấp tài khoản cho nhân sự, quan sát cách từng người học để có dữ liệu và tiến hành “customize” chương trình đào tạo phù hợp với thời gian, công việc của từng cá nhân.
Về chính sách, một gợi ý hữu ích là áp dụng phần thưởng nhỏ (đa dạng hình thức như tiền thưởng, chứng nhận, vinh danh, voucher quà, tích điểm để thăng tiến lên vị trí mới) nhằm khuyến khích nhân viên học tập.
Xây dựng văn hóa học tập tại doanh nghiệp: Bài toán có nhiều hơn một lời giải
Cùng đóng góp giải pháp giúp các doanh nghiệp triển khai xây dựng văn hóa học tập trọn đời hiệu quả, bà Bùi Nguyệt Anh, Giám đốc Cấp cao BNI Vietnam – tổ chức kết nối thương mại lớn nhất thế giới, đề cập tới Phương châm 6D bao gồm: Đôn đốc, Động viên, Đo lường, Đúng, Đủ, Đều. Trong đó, phương châm đúng – đủ – đều là tiền đề quan trọng để xây dựng văn hoá học tập doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một khái niệm nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp tham gia sự kiện tới từ ông Lê Đình Thịnh – Talent Development Lead tại One Mount – hệ sinh thái công nghệ hàng đầu Việt Nam, với tên gọi “Buy and Build”.
Trong đó, Buy là đưa ra quyền lợi để tuyển nhân sự chất lượng cao từ bên ngoài, Build là nâng cao tay nghề nhân viên bằng cách sử dụng “hệ thống khung năng lực” để nâng cao năng lực nhân viên, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành. Ông Thịnh cũng liên hệ việc đào tạo với tư duy Agile, không cần quá cầu toàn mà cần thúc đẩy khuyến khích phong trào học tập doanh nghiệp, đồng thời nội dung học tập cần được cập nhật định kỳ.
Tổng kết lại, việc xây dựng văn hóa học tập trọn đời tại doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhằm giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng thêm chất keo gắn kết giữa các nhân sự với nhau và với doanh nghiệp, từ đó, làm bàn đạp để đạt được những thành công kinh doanh. Để hoàn thành các mục tiêu về xây dựng văn hóa học tập trong năm 2023, doanh nghiệp cần chú trọng triển khai 3 trụ cột về con người, công cụ, chính sách phù hợp với nguồn lực của đơn vị mình, đồng thời đảm bảo phương châm đúng – đủ – đều trong quá trình đào tạo.