Việc xác định lực lượng lãnh đạo chuyển đổi số của doanh nghiệp cho năm 2021 sẽ đặc biệt quan trọng khi các công ty tăng tốc công việc trong bối cảnh đại dịch. Dữ liệu, đám mây và kiến thức chuyên môn về bảo mật đang là vấn đề cấp bách trong thời gian tới.
Một số yếu tố đang thúc đẩy doanh nghiệp hướng tới chuyển đổi số trong năm tới:
- Đầu tiên, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ làm việc và áp dụng các giải pháp làm việc từ xa và dựa trên đám mây.
- Thứ hai, các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để cải thiện trải nghiệm của khách hàng và nhân viên.
- Cuối cùng, các công nghệ mới nổi từ AI đến AR đang ngày càng được áp dụng sâu rộng tại các doanh nghiệp, nếu không bắt kịp, rất có thể bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Do đó, tất cả các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng cường tập trung vào chuyển đổi số vào năm 2021, với trọng tâm cụ thể là số hóa các quy trình và hệ thống cốt lõi; xây dựng các hoạt động, ứng dụng và cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi; thúc đẩy quá trình ra quyết định và văn hóa dựa trên dữ liệu; chú tâm tới vấn đề an ninh mạng, Nisha Krishnan, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu và tư vấn quản lý Everest Group cho biết . “Cũng sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc thúc đẩy cá nhân hóa để hiểu được những kỳ vọng thay đổi nhanh chóng của khách hàng”.
Những sự thay đổi đó sẽ đòi hỏi một số kỹ năng và năng lực nhất định. Việc xác định lực lượng dẫn dắt chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong năm tới sẽ đặc biệt quan trọng vì việc tăng tốc số hóa cũng đi kèm với những phức tạp.
Krishnan nói: “Trong khi công nghệ sẽ tiếp tục biến đổi hầu hết các ngành công nghiệp, sẽ có những thách thức liên quan đến việc thay đổi kỳ vọng của khách hàng, quản lý thay đổi (con người, quy trình và công nghệ), môi trường pháp lý cũng như nguồn lực nhân tài.
Từ đó, các chuyên gia đưa ra 9 vai trò quan trọng đối với các nỗ lực chuyển đổi số vào năm 2021.
1. Kiến trúc sư dữ liệu doanh nghiệp hoặc giám đốc dữ liệu
Trong một thời gian dài, dữ liệu là mảng phức tạp, bí ẩn của các doanh nghiệp cũng như thiếu sự thừa nhận như một tài sản góp phần gia tăng giá trị. Trong nhiều năm qua, người đứng đầu của bộ phận này thường giữ chức danh Trưởng bộ phận xử lý dữ liệu hay Quản lý xử lý dữ liệu, người vốn chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động ổn định, xuyên suốt trong một doanh nghiệp.
Tuy nhiên ngày nay nhu cầu của đội ngũ điều hành với việc phản ánh ý tưởng đều xuất phát từ phân tích những vấn đề quanh dữ liệu. Sự gia tăng của CDO (Chief data officer- giám đốc dữ liệu) càng nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như đề cao vai trò của dữ liệu và quản lý dữ liệu trong một công ty.
Các giám đốc dữ liệu có trách nhiệm quản lý toàn bộ thông tin dữ liệu doanh nghiệp như là một tài sản. Các vị trí CDO còn chịu trách nhiệm kết nối và cho dữ liệu của tổ chức trở nên có ý nghĩa bằng cách quan sát và thực hiện chiến lược khai thác và phân tích chúng.
Theo khảo sát tại Big Data Excutive Survey: 2014, 43% đội ngũ các nhà điều hành hiện có vị trí giám đốc dữ liệu, tăng từ mức 19% so với 2 năm trước đây.
Trong những năm tới, vai trò CDO có thể trở thành một vị trí điều hành như được chấp nhận rộng rãi như các vị trí CMO (giám đốc marketing), CFO (giám đốc tài chính) hay COO (giám đốc điều tác nghiệp).
2. Người quản trị cơ sở dữ liệu
Trong thời buổi công nghệ số hiện nay, nhiều quy trình, công đoạn hay các hệ thống quản trị đều được mã hóa và vận hành bởi các thiết bị, phần mềm nhằm giúp doanh nghiệp đạt được hiệu suất làm việc tốt nhất.
Tuy nhiên, việc xây dựng, triển khai CSDL cần nhiều yêu cầu về kỹ thuật cũng như quản lý phục vụ duy trì và đảm bảo độ chính xác của dữ liệu khi vận hành và khai thác. Quản trị dữ liệu từ lâu đã được đặt ra và đóng vai trò quan trọng khi triển khai các CSDL lớn đặc biệt trong các doanh nghiệp.
Sự thiếu hụt nhân tài trong ngành công nghiệp CNTT ngày nay vẫn đang là bài toán khó đối với các nhà tuyển dụng và sẽ tiếp tục tồn tại khi nhu cầu công nghệ tiếp tục tăng. Thống kê từ các trang tìm kiếm việc làm như JobStreet.com, mức lương dành cho vị trí DBA dao động từ $800 – $2000. Với mức lương hấp dẫn, đãi ngộ tốt của nhiều công ty và nhu cầu việc làm cao đây chính là cơ hội đầy triển vọng cho những ai đang phát triển ngành nghề này. Theo Cục Dữ liệu Thống kê Lao động Hoa Kỳ đã xác nhận rằng việc làm DBA dự kiến sẽ tăng 11% vào năm 2026.
3. Chuyên gia về quy trình kinh doanh
Fay Arjomandi, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Mimik Technology – một nhà cung cấp nền tảng đám mây , cho biết: “Chuyển đổi số là việc tự động hóa các quy trình kinh doanh bằng cách sử dụng các công nghệ liên quan như AI, máy học, robot và blockchain. Những cá nhân có kiến thức kinh doanh có thể xác định quá trình kinh doanh một cách chi tiết. Đây là một vai trò quan trọng, và chúng tôi nhận thấy sự thiếu hụt rất lớn trên thị trường ”.
COVID-19 đã củng cố nhu cầu về các hệ thống linh hoạt sẵn có ở mọi nơi. Do đó, các chuyên gia kinh doanh có thể ghi lại quy trình làm việc hiện tại của dữ liệu và hoạt động trong một doanh nghiệp và thiết kế quy trình làm việc mới dựa trên các công cụ cộng tác từ xa sẽ có nhu cầu cao. Keith Sims, chủ tịch của Integrity Resource Management và là thành viên của mạng tuyển dụng điều hành Sanford Rose cho biết : Họ có thể giải phóng công ty không gian vật lý và có thể chia sẻ dữ liệu mọi lúc, mọi nơi thậm chí là khác múi giờ để nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng cường các sáng kiến lớn của công ty.
4. Giám đốc kỹ thuật số (CDO)
Giám đốc kỹ thuật số (Chief Digital Officer – CDO) là vị trí quan trọng trong nhiều tập đoàn lớn tại Mỹ. CDO sẽ tiến hành các chiến dịch marketing kỹ thuật số, quản lý tiếp thị và thúc đẩy thương mại điện tử.
Tháng 2 vừa qua, hãng sản xuất đồ thể thao Nike đã bổ nhiệm Adam Sussman vào vị trí giám đốc kỹ thuật số phụ trách chiến lược và phát triển toàn cầu của thương hiệu. Nhà bán lẻ cao cấp LVMH Group cũng mời Ian Rogers đang là CEO Beats Music về làm CDO cho mình.
Tháng 6 năm ngoái, chuỗi bán lẻ hàng may mặc Boot Barn thuê Jon Kubo đảm nhiệm mảng marketing số. Trước đó, Kubo phụ trách vị trí tương đương tại hãng bán lẻ quần áo The Wet Seal từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015.
Ông Denise Kramp – Giám đốc vùng Bắc Mỹ của công ty cung cấp nhân sự cao cấp Korn Ferry cho biết, trong vòng 5 năm qua, nhu cầu nhân sự cao cấp về quản trị kinh doanh kỹ thuật số ngày càng tăng ở các hãng bán lẻ. Điều này thể hiện đúng xu thế thị trường bán hàng trực tuyến tại Mỹ đã tăng trưởng 14,6% trong năm qua, so với mức chỉ 3,1% trong 5 năm gần nhất.
“Kỹ thuật số không còn quá xa lạ với doanh nghiệp và nó giúp người dùng tiếp cận thương hiệu ở bất cứ đâu, từ bất cứ nơi nào. Do vậy, các hãng cần tuyển người tài để đẩy mạnh yếu tố này cũng là điều hiển nhiên”, ông Denise Kramp nói.
5. Kiến trúc sư đám mây
Kiến trúc sư đám mây là một chuyên gia CNTT chịu trách nhiệm giám sát chiến lược điện toán đám mây của công ty. Điều này bao gồm các kế hoạch áp dụng đám mây , thiết kế ứng dụng đám mây , quản lý và giám sát đám mây. Các kiến trúc sư đám mây giám sát kiến trúc và triển khai ứng dụng trong môi trường đám mây – bao gồm đám mây công cộng , đám mây riêng và đám mây lai . Ngoài ra, các kiến trúc sư đám mây đóng vai trò là nhà tư vấn cho tổ chức của họ và cần cập nhật các xu hướng và vấn đề mới nhất.
Hầu hết các công việc kiến trúc sư đám mây phải yêu cầu có bằng Cử nhân Khoa học kỹ thuật – chẳng hạn như khoa học máy tính, kỹ thuật hoặc toán học – và một số công ty thích bằng Thạc sĩ Khoa học. Các chứng nhận bổ sung, cả nhà cung cấp cụ thể và nhà cung cấp trung lập, có thể cần thiết.
6. Dẫn dắt quá trình tự động hóa rô bốt (RPA)
Ứng dụng RPA đã được dự đoán sẽ đạt 2,5 tỷ $ trong năm 2020, đang phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 70 đến 80%. Theo Everest Group, các lãnh đạo RPA – người làm việc với DevOps và khách hàng để tạo ra các chiến lược kinh doanh và lên kế hoạch các khoản đầu tư của doanh nghiệp vào tự động hóa. Đó sẽ là một phần quan trọng của nhóm lãnh đạo. Những chuyên gia này được mô tả là con người 3in1 của giám đốc dự án , kỹ sư quy trình kinh doanh, và kiến trúc sư kỹ thuật số.
7. Kiến trúc sư cung cấp giải pháp
Khi vai trò CNTT phát triển, kiến trúc sư cung cấp giải pháp quan trọng hơn bao giờ hết. Gilad Rom, người sáng lập công ty theo dõi GPS cho thú cưng Huan, cho biết: “Thế giới ngày nay luôn thay đổi và các tổ chức cần có khả năng thích ứng nhanh chóng các phương pháp và kỹ thuật hoạt động của họ để đáp ứng các thách thức kinh doanh đang nổi lên và thay đổi sở thích của khách hàng”.
Ở cấp độ cơ bản nhất, các kiến trúc sư cung cấp giải pháp có trách nhiệm tạo ra khuôn khổ của giải pháp chuyển đổi số được thiết kế để đáp ứng mục tiêu của người dùng hoặc khách hàng. Rom nói: “Công việc đòi hỏi sự kết hợp giữa các kỹ năng, kỹ thuật và kinh doanh mới có thê tập trung vào việc chọn giải pháp thích hợp nhất để đạt được kết quả kinh doanh tối ưu.
8. Giám đốc an ninh thông tin (CISO)
Theo ghi nhận của PwC(Công ty PricewaterhouseCoopers) , trước những tác động của Covid-19 tới nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp đang chuyển đổi dần mô hình kinh doanh và đẩy nhanh việc áp dụng các chương trình chuyển đổi số, coi đây là yếu tố hỗ trợ thiết yếu đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn có 55% lãnh đạo thiếu tự tin về ngân sách cho các vấn đề an ninh mạng, cụ thể là chưa được phân bổ cho những rủi ro quan trọng nhất.
Việc có một CISO hoặc chức năng tương đương trong tổ chức đã trở thành một tiêu chuẩn trong các doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận. Trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều tổ chức có một CISO. Đến năm 2009, khoảng 85% các tổ chức lớn đã có một giám đốc về bảo mật, tăng từ 56% năm 2008 và 43% vào năm 2006. Năm 2011, trong một cuộc khảo sát của PricewaterhouseCoopers cho Khảo sát an ninh thông tin hàng năm của họ, có đến 80% doanh nghiệp đã có một CISO hoặc tương đương. Khoảng một phần ba trong số các giám đốc an ninh báo cáo cho Giám đốc Thông tin (CIO), 35% báo cáo cho Giám đốc điều hành (CEO) và 28% báo cáo cho Ban giám đốc.
Trong các tập đoàn, xu hướng sẽ dành cho các CISO cần có một sự cân bằng mạnh mẽ giữa nhạy bén kinh doanh và kiến thức công nghệ. Các CISO thường có yêu cầu và thu nhập cao được so sánh với các vị trí cấp C khác.
9. Chuyên gia quản trị trải nghiệm khách hàng (UX)
Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay và kỷ nguyên công nghệ số thì yếu tố mang lại sự thành công trong kinh doanh chính là nắm bắt và thỏa mãn được kỳ vọng ngày càng gia tăng của khách hàng.
Để có thể làm được điều đó, các nhà kinh doanh cần phải tận dụng được tối đa nguồn lực, cũng như ngày càng nâng cao hiệu quả trong tương tác với khách hàng.
Do đó, một chuyên gia quản trị trải nghiệm khách hàng là rất quan trọng với doanh nghiệp hiện nay. Đó sẽ là người đưa ra các quy tắc, phương pháp hoặc quy trình được sử dụng để quản lý một cách toàn diện việc tiếp xúc, tương tác và giao dịch chéo kênh của khách hàng với công ty, sản phẩm, thương hiệu hoặc dịch vụ.