Niềm tin số hóa
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI cho biết, vào thời điểm 2007, việc số hóa tài liệu tại Việt Nam còn khá mới lạ với nhiều đơn vị. Đây là giai đoạn FSI phải nỗ lực rất nhiều trong việc tiếp thị, đào tạo kiến thức để các doanh nghiệp thấy được các lợi ích từ công nghệ này để đưa vào ứng dụng trong hoạt động kinh doanh của mình.
“Có những thời điểm, FSI phải dựa vào doanh thu từ các sản phẩm khác để duy trì hoạt động kinh doanh. Nhưng chúng tôi vẫn kiên định con đường đi vì tin rằng, lĩnh vực số hóa sẽ đem lại nhiều giá trị lợi ích, không chỉ cho tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp mà còn đóng góp vào sự thay đổi chung của đất nước”, ông Sơn nói.
FSI đã huy động nhiều nguồn lực từ tài chính cho đến nhân lực để nghiên cứu và phát triển thành công các công nghệ, phần mềm số hóa tối ưu nhất, như hệ thống quản trị tài liệu thông minh DocEye; công nghệ nhận dạng IONE; giải pháp số hóa hồ sơ tài liệu xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Đăng ký kinh doanh, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch kiến trúc, Văn thư lưu trữ)…
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Tổng giám đốc FSI
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, số hóa tài liệu là một hình thức chuyển đổi các dữ liệu truyền thống bên ngoài thành dạng dữ liệu số mà máy tính có thể hiểu được.
“Thế mạnh công nghệ số hóa của FSI là khả năng bóc tách thông tin một cách tự động. Nghĩa là người dùng không cần phải nhập dữ liệu thông tin – một hành động rất mất thời gian và đôi khi không chính xác, mà chỉ cần đưa tài liệu dạng giấy vào máy quét và phần việc còn lại do công nghệ và phần mềm của FSI sẽ bóc tách dữ liệu tự động linh hoạt tùy chỉnh theo nhu cầu, nghiệp vụ của từng khách hàng. Dữ liệu số hóa có thể kết xuất ra nhiều định dạng, dễ tích hợp với các hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm khác”, ông Sơn cho biết.
Trong một thống kê của FSI cho thấy, 80% doanh nghiệp đang quản lý tài liệu theo hình thức thủ công; một nhân viên tốn đến 30-40% thời gian làm việc để tìm thông tin; 67% dữ liệu bị mất liên quan đến việc tìm kiếm và sử dụng tài liệu. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác tìm kiếm, khai thác tài liệu dẫn tới việc ảnh hưởng tới kết quả công việc, khó cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu điện tử. Tài liệu có thể bị hư hỏng do các yếu tố khách quan như nhiệt độ và độ ẩm, nấm mốc.
Như vậy, có thể thấy, giải pháp số hóa tài liệu sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất làm việc, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc giảm thiểu diện tích, không gian lưu giữ tài liệu; đem lại khả năng truy xuất, tìm kiếm thông tin; giúp bảo quản, duy trì thông tin dữ liệu được lâu hơn, tiết kiệm chi phí quản lý tài liệu.
Một điểm quan trọng khác, mà theo ông Nhữ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc FSI, chính là việc bảo mật thông tin khi sử dụng công nghệ của FSI. Phần mềm này có khả năng thiết lập chế độ bảo mật cho từng tài liệu, gồm: bảo mật thông tin tài liệu chi tiết tới từng trường dữ liệu; phân quyền người dùng theo các cấp độ khác nhau; phân quyền từng module trong hệ thống.
“Các công nghệ số hóa của FSI do chính các kỹ sư Việt Nam nghiên cứu và phát triển nên sẽ tùy biến phù hợp theo các hình thức hoạt động của doanh nghiệp, giá thành rất cạnh tranh và chất lượng không thua kém công nghệ nước ngoài”, ông Hùng cho biết.
Với tính tiện ích, khả năng bảo mật, chí phí vận hành tối ưu của các giải pháp số hóa, nên FSI đã dành được niềm tin của nhiều khách hàng, trong đó có thể kể đến nhiều doanh nghiệp lớn, như FPT, Viettel…
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, FSI thành công trong việc xây dựng lĩnh vực số hóa chính là nhờ quy tụ được đội ngũ các nhà nghiên cứu, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong và ngoài nước; chọn cho mình con đường khác biệt, sản phẩm khác biệt; ứng dụng mô hình quản trị khoa học trong công ty và xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất nội bộ.
Khát vọng về một thành phố thông minh
TP.HCM đang tập trung các nỗ lực xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm, mà một trong số đó là việc thực hiện xây dựng chính quyền điện tử các cấp tại thành phố; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng quản lý văn bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng văn bản điện tử tại chính quyền các cấp để hoàn thiện ứng dụng văn phòng điện tử.
Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, việc xây dựng chính quyền điện tử bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin sẽ đem lại hiệu quả hoạt động cho cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Các công nghệ, giải pháp số hóa của FSI không chỉ dừng lại ở việc góp sức hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà còn hướng đến phục vụ cho một chính quyền điện tử – nền tảng cho một thành phố thông minh.
Bằng nền tảng công nghệ cốt lõi đã được triển khai thực tế và có hiệu quả, FSI hiện đang thực hiện một loạt các giải pháp số hóa phục vụ cải cách hành chính và chính quyền điện tử, như: Số hóa hồ sơ tài liệu trong xây dựng chính phủ điện tử và thành phố thông minh; số hóa hồ sơ tài liệu xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; công nghệ số hóa văn bản hành chính nhà nước; cổng thông tin đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp…
“TP.HCM đang nỗ lực hướng đến xây dựng đô thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm. Cùng tầm nhìn này, FSI mong muốn đồng hành cùng chính quyền thành phố xây dựng các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng cho chính quyền điện tử để phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế của thành phố”, ông Sơn phát biểu tại Hội chợ, triển lãm Công nghệ thông tin – Điện tử – Viễn thông lần 1 – năm 2017
Theo Đăng Lãm : https://doanhnhanonline.com.vn/loi-di-khac-biet-cua-fsi/