Trong ngân sách tài khóa năm 2021, Singapore đã phân bổ 24 tỷ SGD để tạo điều kiện hỗ trợ cho các công ty và người lao động của quốc gia này vươn lên mạnh mẽ hơn thông qua giai đoạn chuyển đổi tiếp theo trong ba năm tới. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết đây là cần thiết để đất nước vẫn đảm bảo lợi thế cạnh tranh và sẵn sàng nắm bắt các cơ hội trong tương lai. Điểm nổi bật chính của gói ngân sách này là quỹ 1 tỷ SGD dành cho các kế hoạch và chương trình hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện áp dụng những giải pháp kỹ thuật số và công nghệ mớ
Singapore đang là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số ở châu Á
Tăng tốc thích ứng là chìa khóa thành công
Trong bài phát biểu về ngân sách tại Quốc hội, ông Heng Swee Keat cho biết trong khi một loạt các gói ngân sách của năm ngoái tập trung vào việc “hỗ trợ khẩn cấp” cho đại dịch và đất nước phải đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi độc lập, trọng tâm ngân sách của năm nay sẽ được tập trung vào việc tăng cường sử dụng công nghệ và các kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của thế giới.
Andrew Milroy, người sáng lập Veqtor8, một công ty tư vấn rủi ro kỹ thuật số có trụ sở tại Singapore, đồng thời là nhà phân tích của Frost & Sullivan và Ovum cho biết: “Chúng ta đang đối mặt với sự hội tụ đồng thời của nhiều công nghệ. Các sáng kiến đa đám mây quy mô lớn, 5G, AI/phân tích dữ liệu, công nghệ tiên tiến, IoT và các công nghệ bảo mật mới đang nhanh chóng được phát huy và ứng dụng gần như cùng một lúc”.
Theo Andrew Milroy, đối với nhiều công ty, họ không biết bắt đầu từ đâu để tận dụng hiệu quả những công nghệ này. Bối cảnh công nghệ rất phân mảnh và không phải lúc nào cũng dễ dàng hiểu được những mặt lợi ích của nó trong lĩnh vực kinh doanh. Sáng kiến của chính phủ được thiết kế để đảm bảo rằng các công ty Singapore có thể duy trì khả năng cạnh tranh bất chấp tình trạng thiếu kỹ năng số trong một thời gian dài.
Singapore muốn tiếp tục là một trung tâm kinh doanh hàng đầu ở châu Á. “Để làm được điều này, các công ty của họ cần phải đi đầu trong việc sử dụng công nghệ”, Andrew Milroy nhấn mạnh thêm.
Abhijit Banerjee, một đối tác của Decacorn Capital, sáng kiến tài trợ mạo hiểm xuyên biên giới, cho biết: “Singapore đã một lần nữa chứng minh rằng họ có các kế hoạch dự phòng mạnh mẽ để ngăn chặn và vượt qua khó khăn ngay cả trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất như đại dịch COVID -19”.
Với sự đẩy mạnh tập trung vào nền kinh tế và đại dịch COVID-19 cũng là một nhân tố quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thậm chí lộ trình chuyển đổi trong một số lĩnh vực kéo dài trong nhiều năm đã được thực hiện chỉ trong vài tháng.
Để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng, chính phủ Singapore cũng đã phân bổ nguồn lực khổng lồ cho quá trình chuyển đổi số với những chương trình và sáng kiến hỗ trợ hiệu quả nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình
Để hỗ trợ đổi mới và hợp tác trên quy mô mới, chính phủ Singapore đã công bố đầu tư vào ba nền tảng chính, cũng như một số sáng kiến khác.
Những cú “hích” trong chuyển đổi số của Singapore
Cooperative Venture Launchpad (bệ phóng liên doanh hợp tác). Chương trình này nhằm mục đích cung cấp vốn đồng tài trợ cho các tập đoàn, doanh nghiệp để xây dựng các dự án mới thông qua các công ty đầu tư đã được lựa chọn trước. Ví dụ như, BCG Digital Ventures là một công ty đầu tư và ươm tạo doanh nghiệp đã hợp tác với công ty nông nghiệp và thực phẩm địa phương Olam để phát triển Jiva, một nền tảng dịch vụ nông dân được thiết kế để giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, tiếp cận các nguồn tín dụng và kết nối trực tiếp với những người mua tiềm năng.
Open Innovation Platform (Nền tảng đổi mới mở). Nền tảng đổi mới mở với các tính năng mới nhằm liên kết các công ty và cơ quan chính phủ với các nhà cung cấp công nghệ có liên quan để giải quyết các thách thức của họ. Ví dụ, Cục Xây dựng và công trình Singapore đã hợp tác với ba nhà cung cấp (TraceSafe, TagBox và Nervotec) nhằm phát triển các giải pháp để mở lại an toàn các công trường.
Các công ty cũng đã phát triển hệ thống thời gian thực giúp chủ công trường có thể tiến hành theo dõi liên lạc và sức khỏe của công nhân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Liên minh này có mục đích thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới giữa Singapore và các trung tâm đổi mới lớn trên thế giới. Kể từ khi thành lập vào năm 2017, hơn 650 sinh viên và khoảng 780 doanh nghiệp Singapore đã tham gia vào các bệ phóng đổi mới ở nước ngoài; 40% trong số này là ở các quốc gia Đông Nam Á. Mạng lưới liên minh này hiện có 15 thành phố liên kết, với 4 thành phố ở Đông Nam Á là Bangkok, TP. Hồ Chí Minh, Jakarta, Manila – và hiện chính phủ Singapore đang muốn mở rộng mạng lưới này đến hơn 25 thành phố trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore cho biết các khoản đầu tư sẽ tiếp tục hướng tới tăng cường quan hệ đối tác và xây dựng cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực ASEAN. Đảm bảo kết nối mạnh mẽ là điều cần thiết để cho phép các doanh nghiệp của Singapore tham gia vào các chuỗi cung ứng và cụm công nghiệp trên toàn cầu và trong khu vực.
Chương trình Công nghệ mới nổi (Emerging Technology Programme). Để khuyến khích hơn nữa các công ty Singapore, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn, nhỏ và vừa đầu tư vào các công nghệ mới để tăng khả năng cạnh tranh, chính phủ nước này sẽ đồng tài trợ cho việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ mới nổi của họ.
Theo đó, Chương trình Công nghệ mới nổi sẽ hỗ trợ chi phí thử nghiệm và ứng dụng các công nghệ hàng đầu như 5G, AI và công nghệ tin cậy, đồng thời hỗ trợ thương mại hóa đổi mới.
Sáng kiến CTO-as-a-service (Giám đốc công nghệ dạng dịch vụ) và Chương trình Lãnh đạo số (Digital Leaders Programme). Không phải tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đều có đủ năng lực, kỹ năng cũng như hiểu biết về công nghệ trong quá trình chuyển đổi số. Để giúp các công ty xác định và ứng dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật số, chính phủ Singapore đã công bố sáng kiến CTO-as-a-service để giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận được với các đơn vị tư vấn CNTT chuyên nghiệp.
Ngoài ra, Chương trình Lãnh đạo số sẽ hỗ trợ các công ty “có triển vọng” trong việc trang bị những năng lực số cần thiết để phát triển và triển khai các chiến lược chuyển đổi số. Chương trình sẽ đồng tài trợ tới 70% chi phí hợp lệ, trong vòng hai năm, để giúp các công ty thuê và xây dựng một nhóm chuyên gia cốt lõi có chuyên môn sâu về các lĩnh vực và khả năng được coi là cần thiết trong việc thúc đẩy chuyển đổi số như các kỹ năng trong các lĩnh vực phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, an ninh mạng và hiểu biết sâu rộng về các mô hình hoạt động kinh doanh. Theo Sidhi Dhir, Giám đốc điều hành của TiE Singapore, một chương trình phi lợi nhuận dành cho các doanh nhân: “CTO-as-a-service và Chương trình Lãnh đạo số là một sáng kiến tuyệt vời để giải quyết nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp nhỏ và hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Kế hoạch Xanh Singapore 2030. Với tình trạng biến đổi khí hậu thực sự đáng báo động, các quỹ đã được trích lập để thúc đẩy các sáng kiến xanh của Singapore. Quốc gia này cũng đã đưa ra Kế hoạch Xanh 2030, một kế hoạch kéo dài một thập kỷ nhằm đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng một ngôi nhà “xanh, đáng sống và bền vững” cho các thế hệ tương lai.
Singapore trở thành quốc gia xanh sạch nhất châu Á
Sáng kiến xanh của Singapore sẽ được hỗ trợ bởi công nghệ. “Chúng tôi đã khai thác công nghệ để khắc phục những hạn chế về nước và đất đai, và sẽ làm điều tương tự đối với biến đổi khí hậu”, ông Heng Swee Keat nhấn mạnh.
Chính phủ Singapore sẽ dành 60 triệu SGD cho Quỹ chuyển đổi cụm thực phẩm nông nghiệp mới và 30 triệu SGD trong vòng 5 năm tới cho các sáng kiến liên quan đến xe điện. Đặc biệt, để khuyến khích tài chính xanh, chính phủ sẽ phát hành trái phiếu xanh cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng được lựa chọn.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp thiết kế lại công việc, Chính phủ Singapore cũng sẽ tăng cường Hỗ trợ giải pháp năng suất để thiết kế lại việc làm bằng cách nâng tỷ lệ đồng tài trợ của chính phủ từ 70% lên 80% cho đến cuối tháng 3/2022.
Ngoài ra, chính phủ sẽ hợp tác với các công ty cổ phần cung cấp vốn tăng trưởng cho các doanh nghiệp địa phương để chuyển đổi và mở rộng quy mô. 500 triệu SGD sẽ được đồng đầu tư với công ty đầu tư nhà nước Temasek Holdings trong Nền tảng tài trợ doanh nghiệp địa phương.
Đối với sự cần thiết phải chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ sâu, chính phủ Singapore cũng sẽ thiết lập một chương trình đổi mới và nghiên cứu sinh doanh nghiệp với 500 suất học bổng trong vòng 5 năm tới. Được dẫn dắt bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia, sáng kiến này nhằm giải quyết các yêu cầu trong các lĩnh vực như an ninh mạng, AI và công nghệ y tế.
Hành trình chuyển đổi số của Singapore được thực hiện theo từng bước với lộ trình rõ ràng để người dân và doanh nghiệp có thời gian làm quen và dần thích ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch với nhiều sự thay đổi, Singapore cũng đã rất chủ động và tích cực triển khai nhiều chương trình và sáng kiến để hỗ trợ các doanh nghiệp tăng tốc trong công cuộc chuyển đổi số nhằm khắc phục những khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Theo CIO, Opengovasia