Hiện nay có rất nhiều chương trình đào tạo cũng như tư vấn về chuyển đổi số, nhưng phần lớn chỉ tập trung giải quyết các vấn đề hiện tại của doanh nghiệp thông qua các giải pháp và công nghệ có sẵn trên thị trường. Các tiếp cận này tốt trong ngắn hạn, tuy nhiên về dài hạn khi việc thực hiện chuyển đổi số thiếu đi định hướng chiến lược sẽ khiến cho các giải pháp và công nghệ ấy không gắn kết chặt chẽ với tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Dưới đây, xin chia sẻ một số ý kiến về việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong tương quan với chiến lược doanh nghiệp
Trên hết là chiến lược doanh nghiệp
Vấn đề đầu tiên cần giải quyết là mối quan hệ giữa chiến lược doanh nghiệp và chiến lược chuyển đổi số. Chiến lược doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất, mục tiêu kinh doanh ra sao, các lựa chọn chiến lược với nguồn lực cụ thể, trong một khoảng thời gian cụ thể – thường là 1 năm. Chiến lược doanh nghiệp sẽ bao gồm các chiến lược chức năng như chiến lược bán hàng, sản xuất, nhân sự, tài chính, tiếp thị.
Chiến lược CĐS có 3 cấp độ quan hệ với chiến lược doanh nghiệp bao gồm: hỗ trợ, tích hợp, động lực. Xin lấy ví dụ 1 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm điện máy để làm rõ 3 cấp độ này.
Tại cấp độ 1 (Hỗ trợ), chiến lược CĐS hướng tới số hóa toàn bộ các thông tin trong doanh nghiệp, ví dụ các báo cáo sản xuất, bán hàng, tồn kho nhằm giúp bán hàng, sản xuất, kho vận phối hợp với nhau tốt hơn trong vận hành hằng ngày.
Tại cấp độ 2 (Tích hợp), doanh nghiệp triển khai ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), trong đó có số hóa toàn bộ quy trình nhập hàng hóa, kế hoạch sản xuất, kế hoạch bán hàng, phục vụ khách hàng. Ở cấp độ này, chiến lược CĐS, chiến lược chức năng và chiến lược kinh doanh được tích hợp ngang hàng với nhau.
Tại cấp độ 3 (động lực), chiến lược chuyển đổi số trở thành động lực thúc đẩy và thực hiện chiến lược doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể xây dựng một hệ sinh thái trên app (ứng dụng) kết nối toàn bộ khách hàng, nhà phân phối cũng như các đơn vị/ cá nhân cung ứng sản phẩm/dịch vụ. Thông qua app, doanh nghiệp tạo liên kết cho khách hàng/đối tác trong hệ sinh thái có thể giới thiệu bạn bè và người thân mua sản phẩm, biến mọi khách hàng và đối tác trở thành “nhân viên bán hàng không lương”. Có thể thấy, thông qua chuyển đổi số, doanh nghiệp nói trên đã thay đổi hẳn mô hình cũng như phương thức kinh doanh hướng tới kết quả đột phá.
Mục tiêu và chiến lược chuyển đổi số
Vấn đề thứ hai là mục tiêu của chiến lược chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Mục tiêu này nhằm trả lời câu hỏi tại sao doanh nghiệp phải thực hiện. Có năm mục tiêu chung của chiến lược chuyển đổi số mà doanh nghiệp có thể lựa chọn. Mục tiêu thứ nhất là tạo những trải nghiệm tốt hơn hoặc đột phá cho khách hàng. Ví dụ, thông qua app nói trên, khách hàng có thể lựa chọn các đơn vị lắp đặt sản phẩm.
Mục tiêu thứ hai là giúp doanh nghiệp đối phó với các rủi ro khi đối thủ cạnh tranh áp dụng chuyển đổi số trước. Thứ ba là cải tiến vận hành doanh nghiệp, ví dụ giảm chi phí, nâng cao chất lượng. Thứ tư là tận dụng cơ hội trên thị trường, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng, gia tăng doanh số hoặc thị phần.
Mục tiêu cuối cùng là thay đổi cốt lõi mô hình kinh doanh. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thay đổi triết lý kinh doanh và kiến tạo mô hình kinh doanh mới. Thông qua app, doanh nghiệp đã tạo ra công cụ nhằm biến các đối tác và khách hàng thành hệ thống bán hàng không chịu chi phí cố định.
Đặt ra các mục tiêu trên cũng giúp doanh nghiệp lựa chọn chiến lược chuyển đổi số. Có ba loại lựa chọn chiến lược chuyển đổi số. Lựa chọn thứ nhất là hướng tới gia tăng năng lực vận hành, ví dụ chuyển đổi số theo hướng tăng hiệu quả quản trị nhân sự, hiệu suất sản xuất… Lựa chọn thứ hai là gia tăng kết quả kinh doanh, ví dụ theo hướng tối ưu hóa quá trình giao hàng. Lựa chọn thứ ba là giúp gia tăng đồng thời năng lực và hiệu quả kinh doanh, ví dụ triển khai hệ thống quản trị khách hàng (CRM) tốt hơn và bán hàng trên tập hợp các khách hàng đã có của doanh nghiệp.
Vấn đề cuối cùng là tiếp cận chiến lược chuyển đổi số thông qua chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng bao gồm ba phân đoạn: (i) mua nguyên vật liệu; (ii) vận hành sản xuất và thiết lập dịch vụ; (iii) đưa sản phẩm và dịch vụ tới khách hàng.
Chiến lược chuyển đổi số có thể tập trung xử lý các vấn đề trên chuỗi cung ứng thông qua: (1) những thách thức mà doanh nghiệp đang gặp,ví dụ giá thành, chi phí, chất lượng…; (2) cách thức gia tăng trải nghiệm khách hàng trên toàn chuỗi cung ứng; (3) giải pháp tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
* * * Chiến lược chuyển đổi số có thể tiếp cận từ kinh doanh như phân tích chuỗi cung ứng hay các mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp như đã đề cập. Chiến lược chuyển đổi số cũng có thể bắt đầu từ công nghệ thông qua cách xây dựng năng lực doanh nghiệp, hướng tới kết quả kinh doanh, hoặc ba cấp độ giữa chiến lược chuyển đổi số và chiến lược doanh nghiệp. Chiến lược chuyển đổi số có thể hướng từ bên trong hoặc từ bên ngoài doanh nghiệp thông qua tối ưu hóa hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng tới gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Dù bắt đầu từ đâu, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo mối quan hệ hệ thống trên cả hai góc độ ngắn hạn và dài hạn giữa chiến lược chuyển đổi số và chiến lược kinh doanh của mình.