Chuyển đổi số và số hóa đều liên quan tới việc ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp, tổ chức. Vì vậy có rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức nhầm lẫn giữa 2 khái nhiệm này dẫn đến lựa chọn sai phương hướng trong quá trình chuyển đổi số. Vậy đâu là điểm giống và khác nhau giữa số hóa và chuyển đổi số? Hãy cùng FSI tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Chuyển đổi số và số hóa là gì?
Số hóa và chuyển đổi số tưởng chừng là những khái niệm đã trở nên vô cùng quen thuộc nhưng không phải doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng có thể định nghĩa đúng về 2 khái niệm này. Để phân biệt được, các doanh nghiệp, tổ chức cần có kiến thức rõ ràng về mỗi thuật ngữ và hiểu được mối liên hệ chặt chẽ của 2 khái niệm này.
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số là sự thay đổi mang tính căn bản về công nghệ và tâm lý, tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, xã hội. Chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả các hoạt động chuyển đổi con người, nhận thức, và chuyển đổi doanh nghiệp. Trong đó, số hóa thông tin và số hóa quy trình sẽ là một phần để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.
Ví dụ: Các doanh nghiệp chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như mobile money, ví điện tử, quét mã QR,… Để có thể thực hiện được việc này, doanh nghiệp cần thực hiện số hóa và số hóa quy trình để đưa thông tin lên hệ thống công nghệ, sau đó sử dụng các tiến bộ như big data, AI để phân tích, kết nối và triển khai các hình thức thanh toán tiện lợi này cho người mua và đơn vị bán hàng.
Từ đó có thể thấy rằng: Chuyển đổi số sẽ thay đổi toàn diện cách thức doanh nghiệp hoạt động, tương tác thông qua chiến lược phù hợp, sự hỗ trợ của công nghệ cũng như sự đồng thuận của con người. Từ đó giúp doanh nghiệp bứt phá trong cuộc đua chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể.
Xem thêm: Các bước chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tổ chức |
Số hóa là gì?
Số hóa là quy trình hiện đại hóa, chuyển từ cách làm việc thông thường sang hệ thống kỹ thuật số. Trong số hóa sẽ bao gồm 2 quy trình: Số hóa thông tin và Số hóa quy trình.
Số hóa (Digitization)
Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang giá trị số hay chuyển đổi thông tin từ dạng vật lý, analog sang dạng kỹ thuật số (được biểu hiện bởi các dãy số nhị phân 0 và 1). Các thông tin được đưa lên hệ thống máy tính và được xử lý bằng các phần mềm, giúp việc lưu trữ và tìm kiếm dễ dàng.
Ví dụ: Khác với mô hình truyền thống là lưu trữ trên các văn bản giấy tờ trong các phòng lưu trữ, khiến việc tìm kiếm thông tin khó khăn và gặp rủi ro khi giấy tờ bị hư hỏng.
Số hóa quy trình (Digitalization)
Số hóa quy trình là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình vận hành, giúp quá trình xử lý thông tin trở nên đơn giản hơn, góp phần tăng hiệu suất công việc cho nhân viên và doanh nghiệp.
Ví dụ: Thực hiện phê duyệt văn bản, thanh toán hoặc nộp thuế cho Nhà nước bằng việc sử dụng dịch vụ chữ ký số, giúp quản lý không cần phải tới công ty để ký văn bản giấy, nhân viên kế toán tiết kiệm được thời gian tới văn phòng thuế để khai và nộp thuế.
Có thể thấy: Số hóa là một phần của quá trình chuyển đổi số, nhưng số hóa không phải là thay đổi cách thức kinh doanh hoặc tạo ra các loại hình kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Đây đơn giản là tiếp tục duy trì phương thức hoạt động truyền thống, nhưng nhanh hơn và tốt hơn.
Xem thêm: Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam |
Phân biệt điểm giống và khác nhau giữa chuyển đổi số và số hóa
Điểm giống nhau
Thông qua định nghĩa, có thể thấy số hóa và chuyển đổi số có điểm chung là đều thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ với mong muốn mang lại các lợi ích lớn hơn, tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Điểm khác nhau
Số hóa | Chuyển đổi số | |
Yếu tố con người | Chưa được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện số hóa. | Là một trong các yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc xây dựng và triển khai thành công lộ trình CDS. |
Thời gian thực hiện | Không có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Thời gian triển khai thường ngắn, tùy thuộc vào phạm vi và nguồn lực thực hiện. | Có lộ trình thực hiện bài bản theo từng giai đoạn, thông thường kéo dài 3-5 năm và được đánh giá điều chỉnh hàng năm. |
Cơ sở thực hiện | Chưa có cơ sở rõ ràng. | Thực hiện dựa trên các cơ sở rõ ràng: Có mục tiêu và định hướng. Có lộ trình rõ ràng. Sự quyết tâm của lãnh đạo. Có đơn vị tư vấn bài bản. |
Lợi ích mang lại | Giúp doanh nghiệp duy trì phương thức hoạt động truyền thống theo cách nhanh hơn và tốt hơn. Hiệu quả về con số chưa được đo lường rõ ràng. Làm nền tảng cho CĐS | Thay đổi toàn diện cách thức doanh nghiệp hoạt động, tương tác và/hoặc tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Tạo sự đột phá trong hoạt động và các hiệu quả mang lại có thể đo lường được. |
Mối quan hệ giữa số hóa và chuyển đổi số
Số hóa và số hóa quy trình là một mắt xích quan trọng trong chuyển đổi số. Người quản lý sẽ sử dụng các thông tin đã được số hóa để nghiên cứu về hành vi khách hàng và đưa ra các hình thức tiếp cận phù hợp, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Ví dụ: Từ các thông tin về hành vi mua hàng của khách hàng từ quá trình số hóa, doanh nghiệp sẽ đưa ra các hướng tiếp cận đa kênh (bán hàng trực tiếp, digital marketing) để khách hàng nhớ tới thương hiệu của mình.
Đồng thời, nhờ quá trình số hóa, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng vào các dịp đặc biệt để tạo ấn tượng tốt, xây dựng hình ảnh về thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Nhờ đó, họ sẽ tạo được một nguồn khách hàng trung thành với các sản phẩm của mình, tăng doanh thu.
Từ những sự so sánh trên chúng ta có thể thấy rằng, số hóa chỉ là một phần trong “hệ sinh thái” chuyển đổi số. Nó có thể giúp doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn nhưng không phải là toàn bộ bởi bản chất của chuyển đổi số là đưa doanh nghiệp phát triển.
Sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm này có thể khiến cho doanh nghiệp đưa ra những định hướng, quyết định sai lầm.
Có thể thấy, chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích mà doanh nghiệp nếu biết tận dụng và có một chiến lược tổng thể, dài hạn thì chắc chắn sẽ tạo ra những cơ hội mạnh mẽ để đột phá trên thị trường “chuyển đổi số”.
Xem thêm: Những sai lầm trong chuyển đổi số 4.0 |