Khái niệm “chuyển đổi số” đang dần trở nên phổ biến bởi sự xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong thời đại 4.0 khi mà công nghệ là nền tảng dẫn lối thành công, khái niệm chuyển đổi số lại càng “nóng” hơn bao giờ hết. Vậy Việt Nam đang đứng đâu trên bản đồ chuyển đổi số? Chính phủ và doanh nghiệp Việt đã, đang làm gì để thay đổi, thích ứng với những xu hướng công nghệ mới? Cùng FSI khám phá ngay trong bài viết dưới đây.
Chuyển đổi số trong Nhà nước hiện nay
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình Chuyển đổi số quốc gia, tạo bước đệm song hành cùng nhiều đất nước phát triển trên thế giới. Đây là chất xúc tác quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mang lại.
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam hướng tới mục tiêu kép: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa đẩy nhanh quá trình hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Để hiện thực hoá mục tiêu đã đề ra, phát triển hạ tầng số được coi là trọng tâm. Với thành phần cốt lõi là viễn thông băng rộng kết nối đến từng cá nhân, điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển đầu tư để có thể bắt nhịp với nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số.
Đồng thời, cơ sở dữ liệu (CSDL) được coi là trái tim của hành trình chuyển đổi số. Chính phủ hay chính quyền số hiện đều lấy cơ sở dữ liệu làm trọng tâm.
Hiện nay, 5 cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai bao gồm: CSDL quốc gia về dân cư (do Bộ Công an chủ quản); CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp; CSDL quốc gia về Thống kê tổng hợp về Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan chủ quản); CSDL quốc gia về Tài chính (Bộ Tài chính chủ quản); CSDL quốc gia về Bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ quản).
Từ CSDL được thu thập, cơ quan nhà nước tiến hành khai thác, sử dụng hiệu quả, sáng tạo để cung cấp cho các dịch vụ, nền tảng số; đồng thời, phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và công tác chuyển đổi số của tổ chức.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt
Theo nghiên cứu của Microsoft thực hiện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát:
- Có tới 74% lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, đổi mới đóng vai trò quan trọng với khả năng chống chịu của doanh nghiệp
- 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới đều tin rằng đổi mới là chìa khóa để đối diện thách thức và bứt phá chuyển mình trên thị trường
- Nhìn chung, các công ty tiến hành chuyển đổi số thành công có lợi nhuận cao hơn 23% so với các công ty vận hành theo mô thức truyền thống.
Hoà vào nhịp phát triển chung toàn cầu, đa số doanh nghiệp hiện nay tại Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số trong hoạt động quản lý kinh doanh, quản trị phân phối. Nhiều phần mềm được ứng dụng để nâng cao hoạt động quản lý bán hàng tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh. Tiki, Lazada, Shopee,… là những nền tảng “béo bở” thu hút hàng trăm nghìn doanh nghiệp tham gia.
Chuyển đổi số là cơ hội để sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới cùng hàng loạt doanh nghiệp y tế số, giáo dục số,… Việc hoạt động dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động đang dần trở nên phổ biến.
Như vậy, để chuyển đổi số, ngoài việc ứng dụng chữ ký số hay các phần mềm khai báo thuế trực tuyến,… doanh nghiệp Việt có xu hướng tin tưởng các giải pháp ERP, HRM, E-Office, WEONE, phần mềm hỗ trợ chấm công, tính lương,… để tối ưu hoá hoạt động quản trị.
Ngoài ra, xu hướng số hóa tài liệu cũng được các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Nhận thức được các lợi ích từ việc tạo lập kho tài liệu điện tử dùng chung, không ít các doanh nghiệp đã chọn các đơn vị uy tín trên thị trường như Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển FSI để triển khai số hóa khối lượng tài liệu khổng lồ của mình.
Trước bối cảnh trên, có thể khẳng định rằng, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay nếu muốn phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong thời đại công nghệ 4.0.
Xem thêm: Chuyển đổi số doanh nghiệp là gì? ý nghĩa đối với doanh nghiệp |
Chuyển đổi số trong các ngành cụ thể
Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng
Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt, dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; (so với cùng kỳ năm 2021).
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định: “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”. Mô hình phát triển ngân hàng số đang được áp dụng theo hai xu hướng chính là số hóa ngân hàng hiện hữu và số hoá kết hợp phát triển ngân hàng số.
Nếu chuyển đổi số thông qua việc phát triển theo mô hình số hóa ngân hàng hiện hữu thì ngân hàng số hóa từng mảng nghiệp vụ, quy trình, sản phẩm – dịch vụ tương tác trực tiếp với khách hàng, vận hành trên nền tảng đa kênh đồng nhất.
Nếu chuyển đổi số theo xu hướng phát triển mô hình số hóa kết hợp phát triển ngân hàng số thì một ngân hàng số mới được thiết lập ngay trong lòng ngân hàng hiện hữu. Ví dụ điển hình cho mô hình này có thể kể đến Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank cùng dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến thay thế cho dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây.
Xem thêm: Chiến lược chuyển đổi số trong ngân hàng 2023 |
Chuyển đổi số trong ngành logistic
Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định chuyển đổi số là một trong những động lực và công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp ngành logistics cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Nhờ chuyển đổi số, hoạt động kiểm soát lô hàng, quản lý mạng lưới… trở nên hiệu quả. Blockchain và Big Data được tăng cường nhằm phân tích, truy vết, nâng cao hiệu suất vận chuyển.
Nhờ ứng dụng dữ liệu lớn Big Data, các thông tin bao gồm thông tin tuyến đường, đơn vị vận chuyển, thời gian giao hàng,… được tự động thu thập và lưu trữ trong cơ sở dữ liệu doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ chính xác của quá trình dự báo nhu cầu vận chuyển của khách hàng, thời gian vận chuyển,… cũng ngày càng chính xác.
IoT và Blockchain hiện đang được tích cực ứng dụng trong quản lý vận đơn. Blockchain xuất hiện giúp ngành logistic đạt được 2 mục đích: tạo ra sự minh bạch và loại bỏ được mọi thủ tục rườm rà. Blockchain là công cụ giúp doanh nghiệp quản lý, theo dõi việc vận chuyển hàng hóa toàn cầu trên một hệ thống minh bạch, hợp đồng thông minh (Smart Contract) được ứng dụng để thay thế cho các thủ tục giấy tờ phức tạp, đẩy nhanh tiến độ vận chuyển hàng hóa, đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ.
Xem thêm: Chuyển đổi số ngành logistics: Thách thức và giải pháp tối ưu trong 2023 |
Sau cùng, Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning) cũng được tích cực ứng dụng trong vận chuyển và giao hàng. Vận chuyển hàng hóa gồm những quy trình lặp lại và làm tiêu hao lượng lớn thời gian, sức lao động. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Học máy (Machine Learning) trong Logistic tăng khả năng tự động hóa của toàn bộ quy trình giao hàng: kiểm soát đơn hàng, kiểm soát tồn kho, tối ưu quãng đường, quản lý đội xe theo thời gian thực (tracking)… giúp rút ngắn thời gian giao hàng.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về bức tranh toàn cảnh chuyển đổi số tại Việt Nam trong năm 2022. Cuộc đua về đích, hay chuyển đổi số thành công và toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp, chính phủ vẫn đang diễn ra với tốc độ ngày một nhanh. Qua bài viết, FSI hy vọng bạn đọc đã có thêm nhiều hiểu biết quan trọng để vững bước trên hành trình chuyển đổi số hiện tại và tương lai.