Kho dữ liệu xuất hiện đóng vai trò như một thành phần cốt lõi của trí tuệ doanh nghiệp (Business Intelligence) giúp thúc đẩy nâng cao hiệu suất. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo phải hiểu kho dữ liệu là gì và lợi ích mà nó mang tới. Trong bài viết này, FSI sẽ chia sẻ cách các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau đang triển khai và ứng dụng, qua đó, giúp doanh nghiệp bạn có thêm nhiều gợi ý thiết thực để đầu tư cho giải pháp công nghệ này trong tương lai.
Kho dữ liệu (Data Warehouse) là gì?
Data Warehouse hay kho dữ liệu là một thuật ngữ được 2 nhà nghiên cứu của IBM là Barry Devlin và Paul Murphy giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1988. Cho phép lưu trữ và quản lý dữ liệu đến từ nhiều nguồn, nhiều môi trường khác nhau như: phần mềm quản trị bán hàng, kế toán, nhân sự hay hệ thống lõi ngân hàng,…
Nó được kích hoạt để hỗ trợ BI. Đặc biệt trong việc tăng cường hiệu quả truy vấn và phân tích báo cáo ra quyết định chính xác. Theo thời gian, kho dữ liệu có thể tạo ra khối tài sản lịch sử dữ liệu “kếch xù” cho các nhà khoa học dữ liệu và nhà phân tích kinh doanh.
Kiến trúc và đặc tính của một kho dữ liệu
Kiến trúc kho dữ liệu
Kiến trúc của kho được xác định bởi nhu cầu cụ thể của từng tổ chức. Loại kiến trúc gồm 3 tầng này là phổ biến hơn cả:
Tầng dưới cùng
Tầng dưới cùng chứa máy chủ đại diện cho một hệ thống cơ sở dữ liệu quan hệ nơi dữ liệu được tải và lưu trữ. Tại đây, các công cụ back-end bắt đầu làm sạch, chuyển đổi và cung cấp dữ liệu vào tầng này.
Tầng giữa
Tầng giữa cung cấp dịch vụ xử lý phân tích trực tuyến (OLAP – Online Analytical Processing) để thao tác với kho dữ liệu đã được tích hợp. Tầng giữa có thể được cài đặt bằng ba cách là Relational OLAP (ứng dụng dựa trên cơ sở dữ liệu quan hệ), Multidimensional OLAP (ứng dụng dựa trên cơ sở dữ liệu đa chiều); hay kết hợp cả hai mô hình trên.
Tầng trên cùng
Đây là giao diện máy khách đầu cuối lấy dữ liệu từ kho để trình bày kết quả cuối. Nó chứa nhiều công cụ khác nhau như công cụ truy vấn, công cụ phân tích, công cụ báo cáo và công cụ khai thác dữ liệu.
Đặc tính kho dữ liệu
Tính định hướng chủ đề
Tính định hướng chủ đề tức thông tin trong kho dữ liệu sẽ được tổ chức và sắp xếp theo một chủ đề nhất định. Ví dụ, chủ đề phân tích hồ sơ bệnh án liên quan đến tim, bác sĩ cần quan tâm không chỉ một mà là nhiều chỉ số liên quan đến máu, huyết áp, nhịp tim, điện tâm đồ. Ngoài ra còn phải theo dõi theo thời gian để nhận biết sự thay đổi nhằm đưa ra phương pháp điều trị kịp thời. Trong tình huống này thời gian được gọi là chiều phân tích.
Mục đích của kho dữ liệu là phục vụ các yêu cầu phân tích theo chiều phân tích, hoặc khai phá cụ thể cái được gọi là chủ đề.
Tính tích hợp
Với doanh nghiệp, dữ liệu nằm rải rác tại những phòng ban khác nhau và chúng cần được tổng hợp vào một nơi cho phép chúng ta xem đồng thời nhiều nhóm chỉ tiêu khác nhau. Quá trình tích hợp này sẽ được thực hiện trong công cụ ETL. Các dữ liệu có quy ước đặt tên, định dạng và mã hóa theo chủ đề cho đội ngũ kỹ thuật dễ dàng tiếp cận.
Tính bất biến
Dữ liệu trong kho có thể tồn tại vĩnh viễn, những dữ liệu mới được đưa vào không ảnh hưởng đến các thông tin cũ. Dữ liệu có chức năng báo cáo lại các con số về thực trạng hoạt động kinh doanh do đó không thể cập nhật, thay đổi vì nó sẽ làm sai lệch kết quả thực tế. Vậy nên, với kho dữ liệu chỉ có 2 thao tác chính là tải dữ liệu vào kho và đọc chúng.
Tính biến đổi
Vì dữ liệu được tải lên liên tục nên chúng sẽ được gán nhãn thời gian tương ứng tại thời điểm nhập liệu. Việc gắn nhãn giúp ta dễ dàng so sánh các dữ liệu với nhau để nắm rõ các thay đổi đang đi theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Ngoài ra, lịch sử dữ liệu còn cho phép dự báo hành vi tương lai khi ứng dụng khai phá dữ liệu.
Cách một kho dữ liệu hoạt động
Kho dữ liệu hoạt động như một kho lưu trữ trung tâm. Dữ liệu đi vào kho thông qua con đường hệ thống giao dịch và các cơ sở dữ liệu liên quan khác. Sau đó, dữ liệu được xử lý, chuyển đổi để người dùng dễ dàng truy cập những dữ liệu này thông qua công cụ Business Intelligence, SQL client hoặc bảng tính.
Bước 1: Dữ liệu được tập hợp từ nhiều nguồn và đưa vào tầng dưới cùng để thống nhất định dạng, biên soạn; sau đó sẽ quá trình làm sạch dữ liệu; phát hiện lỗi để chỉnh sửa hay loại bỏ lỗi nhằm đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu trước khi đưa vào kho.
Bước 2: Dữ liệu sau khi trải qua nhiều thao tác ở tầng dưới cùng sẽ được chuyển từ định dạng cơ sở dữ liệu sang định dạng kho. Sau đó tại tầng giữa, dữ liệu sẽ được sắp xếp, hợp nhất nhằm đảm bảo quá trình phân phối và xử lý dữ liệu diễn ra trơn tru.
Bước 3: Dữ liệu được truyền đến người dùng cuối khi có thao tác tìm kiếm; truy vấn và xuất báo cáo. Trong bước này, có nhiều công cụ để tiến hành nhằm giúp dữ liệu được xử lý gọn gàng; và minh họa dễ nhìn trước khi hiển thị tới người dùng cuối.
Lợi ích khi sử dụng kho dữ liệu
Sự ra đời của kho dữ liệu nhằm mục đích đáp ứng lượng dữ liệu ngày càng tăng cần được xử lý. Nhu cầu lưu trữ dữ liệu tăng lên đi kèm với đó là sự phức tạp của hệ thống máy tính. Từ đây, ta thấy được những lợi ích mà kho dữ liệu mang lại cho doanh nghiệp như:
- Cung cấp thông tin nhất quán về các hoạt động đa chức năng khác nhau. Nó cũng đang hỗ trợ truy vấn và báo cáo đặc biệt.
- Tích hợp nhiều nguồn dữ liệu giúp giảm căng thẳng cho hệ thống sản xuất.
- Giảm tổng thời gian thực để phân tích và báo cáo.
- Tái cấu trúc và tích hợp giúp người dùng sử dụng báo cáo và phân tích dễ dàng hơn.
- Cho phép người dùng truy cập dữ liệu quan trọng từ nhiều nguồn ở một nơi duy nhất. Do đó, tiết kiệm thời gian truy xuất dữ liệu.
- Lưu trữ một lượng lớn dữ liệu trong quá khứ. Điều này giúp người dùng phân tích các khoảng thời gian và xu hướng khác nhau để đưa ra dự đoán thông minh có thể xảy ra trong tương lai.
Các doanh nghiệp đang ứng dụng kho dữ liệu như thế nào?
Kho dữ liệu không còn là một khái niệm xa lạ, nó đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau:
Lĩnh vực đầu tư và bảo hiểm
Trong lĩnh vực đầu tư và bảo hiểm, kho dữ liệu làm nhiệm vụ phân tích xu hướng của khách hàng cũng như các mẫu dữ liệu khác và theo dõi sự thay đổi của thị trường một cách nhanh chóng. Dữ liệu thường được chia sẻ trong các lĩnh vực này trên thị trường ngoại hối và thị trường chứng khoán và tập trung vào truyền dữ liệu thời gian thực.
Lĩnh vực bán lẻ
Kho dữ liệu chủ yếu được sử dụng để quản lý mặt hàng nhập vào – bán ra, quản lý chuỗi phân phối; xác định mô hình mua hàng của khách hàng để theo dõi các mặt hàng, kiểm tra chính sách giá cả, theo dõi các giao dịch khuyến mại. Các chuỗi bán lẻ thường kết hợp hệ thống EDW (Enterprise Data Warehouse) cho nhu cầu dự báo và BI.
Lĩnh vực y tế
Kho dữ liệu quản lý thông tin bệnh nhân, tình trạng bệnh án, phác đồ điều trị, đơn thuốc, thời gian điều trị bệnh, dự báo kết quả và chia sẻ dữ liệu ấy với các đơn vị cung cấp bảo hiểm, phòng nghiên cứu và các đơn vị y tế khác trong lĩnh vực y tế. EDW là trụ cột của hệ thống chăm sóc sức khỏe vì thông tin điều trị cập nhật, tiên tiến nhất là rất quan trọng trong cứu chữa.
Tạo lập kho dữ liệu dễ dàng với FSI Data Platform từ FSI
FSI Data Platform mang đến cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp một giải pháp toàn diện về lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn. FSI Data Platform có khả năng xây dựng một kho dữ liệu số dùng chung kết nối và băng thông tất cả cơ sở dữ liệu với quy mô lớn trong thời gian ngắn tùy theo yêu cầu sử dụng. Hệ thống bảo mật tuyệt đối và không gây gián đoạn hoạt động hiện tại của các đơn vị liên quan. Nhờ đó, các nhân viên trong cùng một công ty dễ dàng truy cập vào các dữ liệu để phân tích và sử dụng phục vụ công việc nhanh chóng đảm bảo tính thời sự của các dữ liệu và tính kịp thời của các quyết định.
Như vậy, thông qua các chia sẻ ở trên, FSI đã mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về kho dữ liệu cùng giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp tạo lập kho dữ liệu nhanh chóng, tiết kiệm và bảo mật cao. Hãy cùng FSI thực hành xây dựng kho dữ liệu, kiến tạo những thành công cho doanh nghiệp của bạn ngay hôm nay.